Chuyện tình Vua Bảo Đại – Hoàng hậu Nam Phương và những hình ảnh hiếm về lễ cưới hoàng gia 90 năm trước

Năm 1934, Hoàng đế Bảo Đại đã nói trước triều đình: “Trẫm cưới vợ cho Trẫm, đâu phải cưới cho cụ Tôn Thất Hân và Triều đình?”

Đó là phản ứng của vị hoàng đế trẻ trước sự phản đối quyết liệt của triều thần trước việc vua quyết tâm kết hôn với Nguyễn Hữu Thị Lan – một cô gái Tây học con nhà quyền quý và theo đạo Thiên Chúa.

Hoàng đế Bảo Đại và cô gái Nguyễn Hữu Thị Lan gặp nhau trong một bữa tiệc sang trọng do Toàn quyền Đông Dương Pasquier và Đốc lý Đà Lạt Darle tổ chức ở Langbian Palace, khách sạn hạng sang đã có từ năm 1922. Ngay lập tức Bảo Đại đã phải lòng cô tiểu thư khuê các, mang nét khác biệt với tất cả người phụ nữ An Nam khác.

Họ đã có thêm nhiều lần gặp gỡ khác nữa, trước khi ông vua trẻ có một quyết định quan trọng và chóng vánh.

Khi trở về Huế, vua Bảo Đại kể lại cho Đức Từ Cung về cô gái đã gặp ở Đà Lạt, và ngỏ ý muốn cưới nàng làm vợ. Thay vì mừng rỡ Hoàng đế đã tìm được ý trung nhân, thái hậu trầm ngâm và không giấu được sự thất vọng khi biết được người vua chọn lại là người theo đạo Thiên Chúa và là cô gái Tây học.

Một vấn đề nan giải đối với hoàng gia, đó là theo nguyên tắc của đạo Thiên Chúa, con cái sinh phải theo đạo, và không thờ cúng tổ tiên. Nếu người kế vị theo đạo Thiên Chúa, thì việc thờ phụng tôn miếu, lễ tế Nam Giao… sẽ phải làm như thế nào? Vì vậy việc Hoàng đế chọn vợ là đạo Thiên Chúa, không hoàn toàn là vấn đề tôn giáo, mà còn liên quan đến cả vấn đề của quốc gia hệ trọng. Việc hôn sự của vua Bảo Đại lúc đó đã trở thành vấn đề bàn cãi rất lớn của các vị tứ trụ Triều đình.

Trở về lịch sử lâu đời của Việt Nam, quyền năng chính trị và tôn giáo thường bị lẫn lộn về ranh giới. Vì vua được xem là Thiên Tử, là con của Trời, mọi quyền năng tối cao ở thế gian và thiêng liêng trên Trời đều tập trung vào Hoàng đế. Hoàng đế có toàn quyền quyết định về vận mệnh của quốc gia và của thần dân của mình. Ngài được thờ phụng, lời Ngài truyền có giá trị quyết định sự sống còn của một con người. Nguyên lý đó cũng tương tự như quyền năng của Đức Chúa Trời trong đạo Thiên Chúa.

Chính vì vậy, có một ranh giới tế nhị giữa Triều Nguyễn và Thiên Chúa giáo, và là nguyên do chính mà các đời vua Nguyễn trước đó như Minh Mạng, Tự Đức, vốn sùng đạo nho, đã triệt để cấm đạo Thiên Chúa.

Trước sự xung đột đó, dễ hiểu vì sao triều thần Huế đã phản đối gay gắt một hoàng hậu theo Thiên Chúa giáo. Nhưng vua Bảo Đại đã gạt qua tất cả với câu nói rằng “Trẫm cưới vợ cho Trẫm, đâu phải cưới cho cụ Tôn Thất Hân và Triều đình?”

Một tờ báo quốc ngữ ra ngày 22 tháng 2 năm 1934, là tờ báo đầu tiên đã liều lĩnh nêu lên vấn đề lễ cưới của Đức Vua Bảo Đại với cô Nguyễn Hữu Thị Lan, đồng thời cũng đưa cả thông tin là Tôn nhơn phủ đã phủ quyết. Tờ báo nói rõ: Tôn nhơn phủ đã quở trách Nhà vua một cách nghiêm khắc nhưng tôn kính. Tờ báo thạo tin còn cho biết “Đức Vua Bảo Đại đã bỏ ngoài tai hết thảy”.

Lễ cưới vẫn sẽ cử hành nhưng chỉ trong phạm vi thân tình nhất, điều này cũng trái với thông lệ của triều đình, rằng một đám cưới của vua với hoàng hậu phải là một quốc lễ với quy mô không gì sánh bằng.

Ông Tôn Thất Đàn, cựu thượng thư bộ Hình định, đã thảo một kiến nghị có chữ ký của các đại thần đứng đầu các Bộ và các nha phủ quan trọng trong triều, yêu cầu Nhà vua nên từ hôn với cô Nguyễn Hữu Thị Lan. Bản thân ông và bạn bè còn nghĩ đến chuyện buộc cô Nguyễn Hữu Thị Lan, nếu như quyết tâm kết hôn với vua, thì phải từ bỏ Thiên Chúa giáo và theo đạo Phật – tôn giáo pha trộn với đạo Lão đang thịnh hành ở Việt Nam. Vị cựu thượng thư còn nói thêm có một vài vị quan quyền cao đức trọng tỏ ý thà chết còn hơn là phải thấy cuộc hôn nhân này diễn ra, vì nó vi phạm những nguyên tắc căn bản nhất của nhà nước quân chủ.

Nhưng không có điều gì có thể ngăn cản một vị vua theo Tây học, và đã đem lòng yêu thương một giai nhân Nam Kỳ cũng theo Tây học. Hoàng đế Bảo Đại cương quyết chọn Nguyễn Hữu Thị Lan làm Hoàng hậu của mình, vì vẻ đẹp thùy mị của người con gái miền Nam, hiền lành và quyến rũ, và cả những phẩm chất cao quý khác mà sau này trong suốt cuộc hôn nhân ông mới hiểu hết về vợ mình.

Hơn nữa, Bảo Đại cho rằng việc cưới một người theo đạo Thiên Chúa không ảnh hưởng đến việc thờ phụng tổ tiên. Và các hoàng tử sau này, nếu một ngày nào muốn theo đạo Thiên Chúa, thì vẫn có thể thờ phụng tổ tiên. Trong hồi ký của mình, cựu hoàng nói rằng dù ông được đào tạo ở Pháp theo nền giáo dục của Tây phương, nhưng đạo Khổng đã thấm nhuần vào ông từ nhỏ, và có những giá trị cần phải duy trì theo cách Đông Tây hòa hợp.

Triều thần không phải là trở ngại duy nhất đối với ông vua trẻ trong cuộc hôn nhân này, vì vua còn phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe từ phía gia đình Nguyễn Hữu Thị Lan, đó là:

1. Nguyễn Hữu Thị Lan phải được tấn phong hoàng hậu ngay trong ngày làm lễ cưới; (Kể từ khi Hoàng đế Gia Long khai sáng triều Nguyễn cho đến 12 đời vua nối tiếp, các vị chỉ phong cho vợ tước vương phi, đến khi mất mới được truy phong Hoàng hậu);

2. Được giữ nguyên đạo Thiên Chúa, các con sinh ra đều được rửa tội và được giữ đạo;

3. Hoàng đế Bảo Đại được tự do giữ đạo cũ là Phật Giáo;

4. Phải được Tòa thánh La Mã cho phép đặc biệt hai người lấy nhau và giữ hai tôn giáo khác nhau, không ai bắt buộc ai về tôn giáo.

Sau này, người ta còn nói thêm rằng Nguyễn Hữu Thị Lan còn yêu cầu vua phải giữ đạo 1 vợ 1 chồng, chứ không được có 9 bậc phi tần như các đời vua trước. Tuy nhiên đó chỉ là đề nghị từ phía gia đình cô, còn đích thân Nguyễn Hữu Thị Lan đã không đưa điều kiện đó ra, vì trong một buổi bàn về chuyện nạp phi, Hoàng đế Bảo Đại đã nói công khai với đình thần rằng ông “chống lại tục đa thê của vua chúa Việt Nam”. (Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, về sau vua Bảo Đại không lời hứa và sống chung với nhiều phụ nữ khác trong suốt cuộc đời đào hoa của mình).

Việc phong hoàng hậu cho cô Nguyễn Hữu Thị Lan còn bị trái với chủ trương “Tứ bất lập” của triều Nguyễn. Từ thời Minh Mạng, nhà Nguyễn không lập hoàng hậu khi vua còn sống (1), không lập thái tử (2), không đặt chức tể tướng (3), không lấy đỗ Trạng Nguyên (4).

Thời trước, khi ông hoàng làm lễ nạp phi, bà chúa hạ giá cho con cháu các đại thần, khi có quyết định của nhà vua rồi không ai phải xin phép ai nữa cả. Thế mà Hoàng đế Bảo Đại muốn lấy Nguyễn Hữu Thị Lan thì phải xin phép Đức Giáo hoàng ở tận bên Roma. Để Nguyễn Hữu Thị Lan có thể làm vợ một Hoàng đế theo đạo Phật, người Pháp xin phép Vatican cho phép đôi vợ chồng này ai giữ đạo riêng của người ấy, nhưng tòa thánh không chấp nhận, và vì đám cưới vẫn được tiến hành nên Hoàng hậu Nam Phương bị giáo hoàng Pio rút phép thông công.

Báo chí vào thời đó, các tờ L’Ilustration, Tràng An, The Lewiston Daily, Journal de la Femme, La Francaise và nhiều báo chí khác trong và ngoài nước tốn không ít giấy mực về cuộc hôn nhân này.

Trên tờ báo Phụ Nữ Tân Văn số 212, ra ngày 17 tháng 8 năm 1933, có bài viết với tiêu đề “Ái tình và tôn giáo – Chung quanh chuyện cô Mariette Jeanne Nguyễn Hữu Hào làm Hoàng hậu nước Nam”, có đoạn:

“Ở đây, ta đã thấy rõ ái tình và tôn giáo xung đột nhau rồi, xung đột một cách rõ rệt… Nhưng… ái tình là ái tình, tôn giáo là tôn giáo. Vả lại, trong cuộc hôn nhơn chỉ có ái tình là trọng, là có thể gây nên hạnh phúc cho vợ chồng mà thôi…”

Tạp chí Nam Phong số 200 (16/7/1934), Trúc Phong có bài về “Tôn giáo với ái tình”, trong đó có đoạn nhận xét về hôn nhân của Hoàng đế Bảo Đại và cô Nguyễn Hữu Thị Lan như sau:

“Nếu ta hiểu tôn giáo về phương diện triết lý, đừng để cho ta phải bị bó buộc dưới cái luật lệ thần quyền, thì cái vòng chật hẹp nhỏ nhen, ích kỷ của tôn giáo không còn nữa. Dường ấy ta có thể đang thờ đạo này mà ta yêu một người khác đạo với ta, hay là một người không có đạo gì cả.

Lễ đại phối của Đức Bảo Đại hôm 20 Mars vừa rồi, rất có ý nghĩa hay về “tôn giáo với ái tình” và sau này rất có ảnh hưởng sâu xa về thời thế, và trong cuộc đời tình ái của mỗi người.”

Vậy phải chăng, hôn nhân của Hoàng đế Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương là một điều tốt đẹp cho Triều đình nhà Nguyễn và cả Việt Nam. Đó là một sự canh tân, sự đổi mới về hệ tư tưởng – là một sự kết hợp vô cùng hoàn hảo của hai cá nhân đẹp đẽ về ngoại hình, đồng điệu về giáo dục và xã hội, và là cầu nối tốt đẹp xóa bỏ định kiến về tôn giáo đã tồn tại hàng trăm năm qua giữa Việt Nam và phương Tây.

Sau này, có những bài viết bôi bác cựu hoàng Bảo Đại và cho rằng đây là một cuộc hôn nhân được sắp đặt, do phương Tây đạo diễn nên dựa trên những tính toán mang tính chính trị. Sự việc có phải như vậy hay không? Nếu đọc lại những dòng hồi ký của chính Nam Phương Hoàng Hậu và Hoàng đế Bảo Đại thời gian sau này, sẽ thấy họ mô tả rất chi tiết về lần đầu gặp gỡ của họ.

Vào những năm đầu thập niên 30, các buổi dạ tiệc cho giới quý tộc, chính trị và những người nổi tiếng của Việt Nam thường rất xa xỉ, cầu kỳ giống như ở phương Tây. Vua Bảo Đại và Nguyễn Hữu Thị Lan đã gặp nhau trong một buổi tiệc như vậy.

Tháng 9 năm 1932, trên con tàu D’Artagnan của hãng Messagerie Maritime xuất phát từ Pháp, vua Bảo Đại trở về Việt Nam trong chuyến hành trình được gọi là “hồi loan” để chính thức chấp chính ở triều đình Huế sau tròn 10 năm du học. Một sự tình cờ là cũng trên chuyến tàu đó, cô Nguyễn Hữu Thị Lan cũng trở về Việt Nam sau 7 năm du học.

Hơn 2 tháng sau đó, vào khoảng cuối năm 1932, vua Bảo Đại 19 tuổi, tham dự buổi dạ hội xa xỉ ở Langbian Palace – Đà Lạt do Toàn quyền Đông Dương tổ chức.

Langbian Palace, nay là Dalat Palace

Một người được mời khác là Lê Phát An, con trai của một trong những người giàu nhất Nam kỳ là Lê Phát Đạt (ông Huyện Sỹ, ông ngoại của Nguyễn Hữu Thị Lan). Ông Lê Phát An rất muốn nhân dịp này dẫn theo người cháu ruột (gọi bằng cậu) là Nguyễn Hữu Thị Lan, lúc đó 18 tuổi, tới bái kiến hoàng đế. Ông cho rằng đây là một lễ nghi cần phải thực hiện đối với một gia đình danh giá, và cũng có ý muốn sắp đặt cho duyên phận của cô cháu gái.

Nam Phương Hoàng Hậu viết rằng lúc đó bà đã không muốn đi, bởi vì “Tôi từ nhỏ ít ưa tiệc tùng và chỗ đông người, nhưng phải vâng lời cậu tôi”. Vào thời đó việc hôn sự đều do cha mẹ sắp xếp, nhưng do ảnh hưởng nền Tây học, Thị Lan vẫn không muốn một cuộc hôn nhân sắp đặt.

Buổi diện kiến đầu tiên trước vị Hoàng đế trẻ, đẹp trai, quyền lực, thay vì chuẩn bị trang điểm và chọn những trang phục lộng lẫy nhất, Nguyễn Hữu Thị Lan chỉ “chỉ trang sơ sài” và “phục sức đơn sơ”, bới tóc đơn giản, và mặc một chiếc áo dài bằng lụa. Trang sức hầu như không có gì ngoài đôi hoa tai ngọc trai. Vào những năm 1930, người ta có xu hướng trang phục rất cầu kỳ, đặc biệt những người của gia đình giàu có. Tuy nhiên, đối với Nguyễn Hữu Thị Lan, cô chuộng sự đơn giản, vì điều đó làm cho cô thoải mái.

“Về sau, khi đã trở thành vợ chồng, Ngài mới cho tôi biết hôm đó Ngài rất chú ý cách phục sức đơn sơ của tôi. Tôi nghĩ rằng tôi được nhà Vua lưu ý một phần do trong suốt buổi dạ tiệc chỉ có tôi là người đàn bà Việt Nam duy nhất nói tiếng Pháp và theo hành lễ đúng cung cách lễ nghi Âu tây đối với Ngài” –  Hoàng hậu Nam Phương kể lại.

Buổi gặp lần đầu cũng được bà kể như sau:

“Chúng tôi đến trễ và buổi tiệc đã bắt đầu lâu rồi. Cậu tôi kéo ghế định ngồi ngoài hiện thì ông thị trưởng Darle trông thấy, ông ta chạy đến chào chúng tôi rồi nắm tay kéo chúng tôi vô nhà. Vừa đi ông vừa nói:

– Ông và cô phải đến bái yết Hoàng thượng mới được.

Khi cánh cửa phòng khách vừa mở, tôi thấy Vua Bảo Đại ngồi trên chiếc ghế bành chính giữa nhà. Ông Darle bước tới bên cạnh Vua rồi nghiêng mình cúi chào và kính cẩn nói:

– Votre Majesté, Monsieur Lê Phát An et sa nièce, Mademoiselle Marie Thérèse. (Tâu Hoàng thượng, đây là ông Lê Phát An và người cháu gái, cô Marie Thérèse).

Nhờ các nữ tu ở trường Couvent Des Oiseaux từng chỉ dạy nên tôi biết phải làm gì để tỏ lòng tôn kính đối với bậc Quân vương, vì vậy tôi đã không ngần ngại đến trước mặt Hoàng đế, quỳ một gối và cúi đầu sát nền nhà cho đến khi thấy bàn tay cậu tôi kéo tôi dậy, tôi mới đứng lên. Vua gật đầu chào tôi đúng lúc tiếng nhạc vừa trỗi theo nhịp điệu Tango, Ngài ngỏ lời mời và dìu tôi ra sàn nhảy rồi chúng tôi bắt đầu nói chuyện.”

Còn trong hồi ký Con Rồng An Nam, cựu hoàng Bảo Đại cũng dành mấy trang để nói về lần đầu gặp mặt với cô Marie Therèse (tên Pháp của Nguyễn Hữu Thị Lan):

“…nhân dịp cuối năm tôi đi nghỉ mát ở Đà Lạt vài ngay, con gái của Toàn quyền Pierre Pasquier cùng nghỉ mát ở đó. Tại đại sảnh đường khách sạn Langbian, quan Toàn quyền có giới thiệu với tôi một thiếu nữ Việt Nam đi cùng với cụ bà Charles, cô Marie Therèse Nguyễn Hữu Hào, con gái nhà điền chủ Nguyễn Hữu Hào theo Thiên Chúa giáo, cô này mới 18 tuổi vừa mãn khóa ở Couvent Des Oiseaux tại Pháp.

Sau lần hội ngộ đầu tiên ấy, thỉnh thoảng chúng tôi lại gặp nhau để trao đổi tâm tình. Marie Thérèse thường nhắc đến những kỷ niệm ở Pháp một cách thích thú. Cũng như tôi, Marie Thérèse rất thích thể thao và âm nhạc. Nàng có vẻ đẹp dịu dàng của người miền Nam pha một chút Tây phương. Do vậy mà tôi đã chọn từ kép Nam Phương để đặt danh hiệu cho nàng.

Các vị Tiên đế của tôi cũng thường hướng về người đàn bà miền Nam. Nếu tôi nhớ không sai thì trước Hoàng hậu Nam Phương, có đến bảy phụ nữ miền Nam đã từng là chủ nhân của Hoàng thành Huế.

Khi chọn phụ nữ miền Nam làm vợ, hình như đức Tiên đế và tôi đều nghĩ rằng trước kia đức Thế Tổ Cao Hoàng đã được nhân dân miền Nam yểm trợ trong việc khôi phục giang sơn. Chính đó là sự ràng buộc tình cảm giữa Hoàng triều Huế với người dân miền Nam.

Sau vài lần trò chuyện, một tình cảm dịu dàng đã nẩy nở ra giữa chúng tôi và chúng tôi hứa hẹn sẽ gặp lại nhau…”

Và cũng trong hồi ký, cựu hoàng nói rằng không lâu sau buổi gặp mặt, ông quyết tâm cưới cô gái Tây học đó: “Lần gặp gỡ về sau, với cô Marie Thérèse, tôi ngỏ ý muốn lấy cô, tôi quyết định bất chấp cái thủ tục cổ lỗ kia, và sẽ báo cho triều đình ý định này…”

Trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Fédéric Mittérand năm 1988, khi cựu hoàng Bảo Đại đã 75 tuổi, ông vẫn nhắc lại: “Tôi muốn canh tân đời sống trong cung. Tôi dẹp bỏ hậu cung. Tôi muốn có một bà vợ duy nhất đứng bên cạnh tôi để tiếp kiến, như các ông vua hiện đại. Tôi đã cưới một người Thiên Chúa giáo Nam Kỳ.”

Để có “một bà vợ duy nhất đứng bên cạnh” mình trong các cuộc tiếp tân quốc tế, dĩ nhiên vua Bảo Đại đã hình dung những điều kiện tiên quyết mà người vợ mình chọn sẽ như thế nào. Nguyễn Hữu Thị Lan đáp ứng những tiêu chuẩn đó của vị hoàng đế trẻ: Cô cao hơn hầu hết các cô gái Việt Nam đương thời. Là người Tây học, cô sành thời trang và có gu ăn mặc thanh lịch, tinh tế. Cô rất thích mua đồ của nhãn hiệu Christian Dior và Balmain. Cô đam mê nghệ thuật, yêu thích tranh theo trường phái ấn tượng như của Renoir, Buffet, lấy cảm hứng từ những sinh hoạt thường ngày trong cuộc sống, vận dụng những gam màu thuần chất, tính chất lung linh, rực rỡ. Cô không thích tranh lập thể mang của Picasso vì sự dữ dội và siêu thực, không phù hợp với bản tính trầm tĩnh và nhẹ nhàng của cô.

Cô còn thích nuôi chó, với tấm lòng nhân hậu, sau này qua nhiều bức thư viết cho cựu hoàng Bảo Đại, cô nhân cách hóa những con chó của mình một cách dí dỏm sống động, như những thành viên thân thương của gia đình. Cô cũng yêu thể thao và có thể chơi bóng bàn, quần vợt, và golf.

Khi còn đi học, bà Sabine Didelot, cựu học sinh và là cháu ruột đã nói về Hoàng hậu Nam Phương như sau: “Lúc nhỏ, Mariette rất sùng đạo, thông minh, học giỏi và tế nhị”. Theo báo Journal De La Femme, các bạn học của Bà ở Couvent Des Oiseaux đều nói rằng người rất hiền lành, thùy mị và ít nói.

Cô Nguyễn Hữu Thị Lan hội đủ mọi điều kiện mà Hoàng đế đã hình dung cho tương lai của mình, một người phụ nữ nhan sắc, nền tảng giáo dục tử tế và văn minh phương Tây, có sự đồng điệu trong suy nghĩ về nhiều khía cạnh, sau cùng, xuất thân từ gia đình danh giá, hiểu rõ lễ nghi của các cuộc tiếp tân mang tính quốc tế. Và buổi gặp gỡ hôm ấy đã trở thành một sự kiện quan trọng của cuộc đời vị Hoàng đế trẻ.

Trở lại với câu hỏi: Cuộc gặp gỡ đó có phải là sự sắp đặt không? Câu trả lời là phải. Ngoại trừ sự khác biệt về tôn giáo, thì đó là một cuộc hôn nhân môn đăng hộ đối. Cha của Thị Lan là quận công Nguyễn Hữu Hào, một đại điền chủ giàu có. Bên ngoại của cô là ông Huyện Sỹ còn lẫy lừng hơn nữa, và họ đều có quan hệ tốt với quan chức người Pháp, những người có ảnh hưởng nhất định trong việc chọn lựa người phối ngẫu cho hoàng đế.

Vua Bảo Đại năm 1933

Tuy nhiên, sự sắp đặt chỉ diễn ra trong lần đầu họ gặp mặt, còn từ đó về sau, những lần gặp gỡ và hẹn hò thì đều là do hai người chủ động. Họ đều có những cảm xúc rung động mạnh mẽ với nhau trước khi quyết định kết hôn, tình yêu của họ là có thực chứ không chỉ đơn thuần là kết hôn dựa trên những tính toán chính trị của Pháp. Về phía vua Bảo Đại, ông sẵn sàng làm phật lòng thái hậu và triều đình để cưới người ông yêu. Còn về phía cô Thị Lan, trong một bức thư tâm sự với cô bạn ở Pháp, đã nói rõ cảm xúc đối với vị vua trẻ: “Lúc này chính là lúc lòng khoan khoái, nghe tiếng nói trái tim thỏ thẻ…”

Lễ cưới hoàng gia

Ngày 6 tháng 3 năm 1934, vua Bảo Đại phụng mệnh Tam Tôn cung và hợp nghị cùng Lục bộ, phủ Tôn nhân, cùng Hoàng tộc rồi xuống Dụ định làm lễ Đại hôn và lập Hoàng hậu như sau:

“Dụ số 4 ngày 21 tháng giêng năm Bảo Đại thứ 9

Trẫm theo Ý chỉ của Tam Tôn cung, Trẫm định lập nội cung để có người nội trợ.

Nhưng muốn lập một người cho có học thức hoàn toàn, sách lập liền làm Hoàng hậu, để chánh vị trong cung, thời Tam Tôn cung đã chuẩn doãn rồi.

Đối với văn minh bây giờ, thì phong tục đã mở mang, thế mà còn nạp vào nội cung cho nhiều người, chia giai cấp cho nhiều bậc, tất không thích hợp với trình độ tiến hóa ngày nay. Ấy cho nên Trẫm định bỏ tục xưa ấy đi.

Vả chăng Trẫm chọn người làm cổ quăng, đã không câu nệ người Nam với Bắc, thời nay lựa người nội trợ, chỉ cần lấy hiền đức, chớ cũng không nệ là người ở xứ nào.

Vậy nên Trẫm lựa một người thiếu nữ quán ở Nam Kỳ, tên là Nguyễn Hữu Thị Lan tức là Mariette Jeanne Nguyễn Hữu Hào, con một nhà có danh giá trong lục tỉnh.

Nguyên xứ Nam Kỳ trước đây đã có một vị quốc mẫu đáng tôn kính, làm tiêu biểu ở chốn cung vi, đến bây giờ nhắc đến đức Từ Dụ là đức Nghi thiên Chương Hoàng hậu, người trong Hoàng tộc hãy còn ghi nhớ luôn.

Đến Trẫm bây giờ mà nối được lề xưa, để tỏ lòng hoài niệm với nhân dân trong Lục tỉnh thời Trẫm lấy làm vui mừng.

Người mà Trẫm sách lập làm Hoàng hậu đây, đã từng du học bên quí Pháp quốc lâu năm cũng như Trẫm vậy, cho nên đã dung hòa được văn hóa tốt đẹp của Tây Âu và tinh thần vẻ vang của Đông Á, mà trở nên một người nhân cách hoàn toàn. Trẫm đã từng biết rồi, đức hạnh người ấy đáng làm hiền phối cho Trẫm, và cũng đáng làm khuôn mẫu ở ngôi chánh vị trong cung. Hễ người ấy vào cung, thời Trẫm cho lập liền làm Hoàng hậu.

Bà Hoàng hậu là người giáo đức cho vua và việc lập hậu là việc quan hệ, vậy Trẫm cho sở quan sắp đặt sự nghi thế nào cho xứng đáng và trọng sự thể.

Khâm thử.”

Dụ tại Cung An Định ngày 21 tháng giêng năm Bảo Đại thứ 9. Ngự tiền Văn phòng cung lục. Trích từ Nam Phong Văn học, Khoa học Tạp chí, số 193 (Fevrier – Mars 1934).

Ngày 3 tháng 2 âm lịch (17/3/1934), Hoàng thân Bửu Liêm cùng Phủ thiếp và Hoàng tùng đệ vào Lăng Cô đón Hoàng hậu rước về Kinh đô. Khi tới cung Trú tất của Kinh đô, Hoàng hậu ở cung ấy suốt ngày mồng 3, 4 và 5 tháng 2 (17, 18 và 19/3/1934).

Ngày 6 tháng 2 (203/1934), 9 giờ sáng, đón Hoàng hậu vào Đại nội. Khi ở cung Trú tất khởi hành, Hoàng hậu đội khăn thiên thanh, mặc áo thụng thêu đỏ, có các bà Phủ thiếp, các công chúa, các bà mệnh phụ đều thịnh phục đến đón Hoàng hậu vào Đại nội. Có bốn lọng đỏ, mười lá cờ đứng giàn trước cung Trú tất.

Hoàng hậu và gia đình của Bà ngồi trên chiếc ô tô đi giữa các ô tô khác.

Quan Đề đốc hộ thành mặc binh phục, cưỡi ngựa, có các toán lính đi theo để hộ vệ đám rước từ cung Trú tất đến cửa Chương đức. Phía trong cửa ấy có quan Đô thống đứng đón, đưa đám rước vào cung Dưỡng tâm. Suốt hai bên đường từ cửa Chương đức đến cung Dưỡng tâm đều có cắm cờ.

Hôm đó người dân Huế đứng chật hai bên đường khi xe kéo cô dâu vào Điện Cần Chánh, nơi Đức Bảo Đại và hoàng tộc, Triều thần đang chờ đợi sự xuất hiện của vị Hoàng hậu tương lai.

Có những người chưa từng được gặp Hoàng hậu tương lai, họ thắc mắc về nhan sắc của Bà, về cốt cách của Bà, họ lo lắng về phẩm chất và e rằng Bà theo Tây học, đã không khí vui vẻ tự do ở Paris, nay lại phải theo khuôn khổ, lễ phép ở Triều đình… liệu Bà có chịu được không?

10 giờ rưỡi, vua Bảo Đại ngự khăn áo vàng ngự ra điện Cần Chánh, có các quan nội thần đi hầu.

Hoàng hậu bước xuống kiệu, tiến vào Điện Cần Chánh. Hoàng đế ngồi trên ngai vàng. Hoàng hậu bước vào, dáng đi thẳng, từng bước chậm rãi giữa rừng cột gồm tám mươi lăm cột bằng gỗ tếch, lộng lẫy, tráng lệ, sơn thếp vàng óng ánh. Triều thần dõi theo từng bước chân của hoàng hậu, với dáng cao đài cát, khuôn mặt đẹp đẽ và nghiêm nghị, trong ánh áng lung linh của Điện Cần Chánh.

Rất nhiều năm về sau, trong hồi ký Con Rồng An Nam (Le Dragon D’Annam, Plon 1980) Cựu hoàng Bảo Đại vẫn nhớ và viết lại:

“Đây là một lễ cưới đổi mới, trước kia chưa từng có trong cung đình. Lễ cưới được tổ chức ngay trong phòng tiếp tân của điện Cần Chánh. Cũng giống như lễ đăng quang, triều thần đứng sắp hàng dọc theo một tấm thảm đỏ và vàng dành riêng cho Hoàng đế. Lần đầu tiên trong lịch sử triều Nguyễn có một người phụ nữ xuất hiện giữa triều đình.

Nam Phương mặc chiếc áo rộng thùng thình, chân đi hài mũi cong, đầu đội vương miện có đính vàng ngọc châu báu óng ánh. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nước Đại Nam mà một người đàn bà đã tiến lên một mình với sự cúi đầu chào đón của triều đình. Với một vẻ đẹp tuyệt vời, nàng đi thẳng vào các phòng lớn, tôi đang ngồi chờ nàng trên ngai vàng. Nàng đến đứng trước mặt tôi, cúi đầu chào tôi ba lần rồi ngồi ở cái ngai bên phải của tôi. Buổi lễ ngắn ngủi chấm dứt. Hoàng hậu đã ở bên tôi, chúng tôi sánh vai nhau bước đi trong tiếng nhạc mừng qua Tử Cấm Thành vào điện Kiến Trung – nơi ở và làm việc của chúng tôi.” 

Tạp Chí Nam Phong số 193 tháng 2 và 3 năm 1934 đã tường thuật Lễ cưới như sau:

“10 giờ rưỡi, Đức Bảo Đại ngự khăn áo vàng ngự ra điện Cần Chánh, có các quan nội thần đi hầu. Hoàng hậu yết kiến tại điện Càn Thành. Đoạn Đức Bảo Đại ngự vào điện Kiến Trung, rồi Hoàng hậu lui ra cung Dưỡng Tâm.

11 giờ, các quan đình thần, các bà mệnh phụ đều mặc áo gấm, đeo huy chương vào mừng Hoàng hậu. Các quan thì do quan Lại bộ Thượng thư giới thiệu; các bà mệnh phụ thì do bà Hiệp Lại giới thiệu.

4 giờ chiều, Hoàng hậu vào chầu Lưỡng tôn cung và Hoàng thái hậu.

Ngày 8 tháng Hai (22 mars). 9 giờ sáng, Hoàng hậu đến bái yết miếu Phụng tiên. Rồi vào chầu Lưỡng tôn cung và Hoàng thái hậu”.

Ngày 10 tháng Hai (24 mars)

8 giờ sáng. Các quan Khâm mệnh làm lễ bái mệnh tại điện Cần chánh, lĩnh cờ mao tiết, có nhạc công rước kim ấn và kim thư do cửa Đại cung môn tới Thái bình lâu.

8 giờ rưỡi. Đám rước tới Thái bình lâu, có Hoàng hậu đã tới đấy, sai các nội quan ra lĩnh cờ mao tiết, kim ấn cùng kim thư đặt trên bàn phủ vóc vàng để ở giữa điện ấy.

Hoàng hậu xá ba xá bái mệnh, các nội quan dâng kim ấn và kim thư, Hoàng hậu tiếp nhận dâng lên ngang trán xá ba xá để tạ ân.

Hoàng hậu giữ lấy kim ấn và kim thư, còn cờ mao tiết thì giao cho các quan Khâm mệnh đem về phục mệnh tại điện Cần chánh.

9 giờ. Quan quyền Toàn quyền Graffeuil, quan Khâm sứ Thibaudeau, quan Thống sứ Tholance cùng các quan chức văn phòng các ngài vào điện Kiến trung chúc mừng Hoàng hậu.

3 giờ chiều. Hoàng hậu mặc mũ áo Hoàng hậu đến bái yết tại miếu Phụng tiên. Đoạn, Hoàng hậu đến bái yết Lưỡng tôn cung và Hoàng thái hậu. Ba Tôn cung có ban tặng phẩm và lời huấn thị.

Đoạn, Hoàng hậu đến điện Càn thành, có các quan nội thân đi theo, làm lễ xá ba xá tạ ân đức Bảo Đại.

Ngày làm lễ tấn phong Hoàng hậu này các công sở của Nam triều và các trường học đều được nghỉ một ngày. Khắp các công sở đều treo cờ, đốt đèn. Có bày các trò du hí trước Phu văn lâu cho công chúng xem. Ở Bắc Kỳ quan Thống sứ cũng hạ lệnh cho các công sở và các trường học đều nghỉ một ngày để tỏ ý kính mừng Hoàng thượng cùng Hoàng hậu.

Buổi tối, Đức Bảo Đại đặt đại yến tại cung An định, có quan quyền Toàn quyền Graffeuil, Lưỡng tôn cung Hoàng thái hậu, quan nguyên Phụ chánh thân thần Tôn Thất Hân, quan Khâm sứ Trung Kỳ, quan Thống sứ Bắc Kỳ, các quan Đại thần Nam triều, các viên chức Tây Nam cả thảy chừng bảy trăm người dự tiệc”.

Ngay sau đám cưới, ngày 10 tháng 2 (24/3/1934) tại viện Dưỡng Tâm cũng ở trong Tử Cấm Thành, vua Bảo Đại ra chỉ dụ tấn phong vợ mình làm Hoàng hậu với tên hiệu là Nam Phương, tức hương thơm của phương Nam. Tuy nhiên, theo bài viết báo Ngọ Báo ngày 11/6/1934, ban đầu vua Bảo Đại vốn đặt cho hiệu là Nam Hương Hoàng hậu, nhưng viên chấp sự biên sai ra chữ Quốc ngữ thành Nam Phương Hoàng hậu. Sau đây là nguyên văn bài báo:

Trong cùng ngày, đức vua trao cho bà chánh phi của mình ấn vàng HOÀNG HẬU CHI BẢO. Quai ấn đúc một con rồng đang ngẩng đầu, miệng ngậm viên ngọc châu, chiều cao toàn bộ 8cm66, phần dưới quai dầy 2cm28, cạnh 8cm65 x 8cm65, lưng ấn khắc 2 dòng Hán tự “Xứng trọng kim ấn ngũ thập thất lạng” (kim ấn nặng 57 lạng) và “Bảo Đại cửu niên chính nguyệt cát nhật tạo” (đúc vào ngày lành tháng Giêng năm Bảo Đại thứ 9 năm 1934). Như vậy ấn này có thể đã được vua trao cho Nam Phương hoàng hậu đúng vào ngày 24 tháng 3 năm 1934, và ý nghĩa của “Hoàng Hậu Chi Bảo” đồng nghĩa với tư tưởng canh tân. Đức vua đã đặt kỳ vọng cao ở Hoàng hậu của mình qua việc trao ngay cho Bà một số thực quyền nhất định trong buổi lễ trọng đại này, chứ không phải chỉ có quyền quản lý gia thất (nội trợ).

Cựu hoàng Bảo Đại kể lại:

“Ngày cưới là ngày 20 tháng 3 năm 1934. Đám cưới được cử hành trước triều đình và các đại diện của Pháp. Đó là một vấn đề mới mẻ, vì từ xưa đến nay chưa bao giờ như vậy. Tôi cũng có quyết định tấn phong ngay cho vợ tôi, tước hiệu là Hoàng hậu, sau khi cưới, điều mà từ xưa thân mẫu tôi chỉ được phong, sau khi phụ hoàng đã qua đời.

Tôi tấn phong cho vợ tôi là Nam Phương Hoàng hậu, có nghĩa là hương thơm của miền Nam, đồng thời cũng theo một sắc dụ, tôi cho phép Hoàng hậu được mặc áo màu vàng da cam, vốn chỉ dành riêng cho Hoàng đế.

Lễ tấn phong được cử hành ở ngay điện Cần Chánh, là nơi vẫn dùng để thiết đại triều. Trước sân châu có trải thảm đỏ và vàng, vẫn dùng để Hoàng đế bước lên. Các quan triều thần đều tập hợp đủ mặt. Hoàng hậu vận triều phục màu vàng, đầu đội mũ kết trân châu bảo ngọc, đi hia mũi nhọn, tay cầm phết ngà, từ từ tiến vào, qua hai hàng quan triều thần chào đón, để tiến tới trước ngai, tôi đang ngồi đợi. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nước tôi, một thiếu nữ đã một mình đi trong cung vua như vậy.

Khi đến trước mặt tôi, Hoàng hậu khấu đầu làm lễ vái ba vái, rồi ngồi sang bên phải tôi, trên chiếc ngai vàng thấp hơn. Lễ tấn phong hoàn tất rất nhanh chóng. Tôi đưa hoàng hậu về điện Kiến Trung và ở đấy với tôi.

Đến chiều, Hoàng hậu tới triều kiến Đức Hoàng thái hậu. Đức bà rất hoan hỉ và tiếp đón niềm nở. Một kim sách được lập cho Hoàng hậu, và sắc chỉ tấn phong được đem ra niêm yết ở tòa sắc chỉ”.

Ngày 12 tháng 2 (26/3/1934), buổi sáng, tại điện Thái hòa có đặt lễ Đại triều hạ để các quan làm lễ mừng Đức Vua Bảo Đại về dịp Đại hôn Ngài. Đến dự có Toàn quyền Đông Dương Graffeuil (tạm quyền), Khâm sứ Trung Kỳ, Thống sứ Bắc Kỳ, Thống đốc Nam Kỳ cùng đông đảo các quan chức Bảo hộ. Ông Toàn quyền (tạm thời) Graffeuil đã thay mặt cho Giám quốc Lebrun, Tổng trưởng Thuộc địa Pierre Laval, Toàn quyền (sắp nhậm chức) Robin cùng tất cả các người Pháp ở Đông Dương tỏ lời chúc mừng vua. Đến các quan trong triều, các quan đại biểu quan lại các tỉnh Trung Kỳ cùng Bắc Kỳ dâng các biểu mừng. Về dịp lễ Đại hôn của đức vua, Giám quốc Đại Pháp Albert Lebrun, Thượng thư Thuộc địa Pierre Laval, đều có gửi điện tín sang chúc mừng Đức Vua và Hoàng hậu.

Phóng viên báo Monde Colonial (Thế giới thuộc địa) đã viết:

“Với dáng thanh lịch của riêng mình chứng tỏ một thị hiếu tinh tế và vững vàng, với chiếc áo dài dạ hội có những đường nét thuần khiết, màu sắc thanh nhã mà hòa hợp, chiếc áo nịt trong vừa khít với người, nàng xinh đẹp như một bông hoa quý.”

Báo Thế giới thuộc địa còn miêu tả:

“Cả hai người đều mặc áo màu vàng, chít khăn vàng, quần lụa trắng, đi giày cườm thêu vàng, thật là đẹp đôi như một bức tranh sáng ngời về tuổi thanh xuân lộng lẫy. Hình bóng đôi uyên ương vàng rực uy nghi tạo nên một bức tranh tuyệt mỹ làm say đắm người họa sĩ. Hoàng hậu Nam Phương xuất hiện rực rỡ trong nét duyên dáng tinh tế của tuổi trẻ như một huyền thoại.”

Sau hôn lễ, vua Bảo Đại có ban ân chiếu như sau:

Chiếu ban ngày 12 tháng 2 năm Bảo Đại thứ 9 (26 mars 1934)

“Vâng mệnh Trời, dấy vận nước, Hoàng đế xuống chiếu rằng:

Giữa vũ trụ xây nên trời đất, có mặt trăng đối chiếu với mặt trời; chốn cung vi lập đạo cương thường, ngôi Hoàng hậu sánh vai cùng Hoàng đế. Lễ nên tôn quí là lẽ thiên nhiên.
Trẫm tuân theo Ý chỉ của Tam Tôn cung, định lập Nội cung để có người nội trợ, nhưng muốn lựa một người học thức hoàn toàn, hiền đức có tiếng, sách lập liền làm Hoàng hậu, để chính vị trong cung.

Người ấy là Nguyễn Hữu Thị Lan, quán ở Nam Kỳ, con nhà khuê tú, có danh giá ở trong Lục tỉnh.

Xứ Nam Kỳ là đất khánh nguyên của các bà Hoàng hậu tiên triều, cho nên người của Trẫm chọn đây, là một người đứng đắn, đã từng du học bên quí Pháp quốc lâu năm, kiến thức rộng rãi, học hạnh kiêm toàn, nên dung hòa được văn hóa của Âu và Á, Trẫm biết chắc người này đáng làm hiền phối cho Trẫm ở ngôi Chánh hậu trong cung.

Trẫm đã thỉnh mạng Tam Tôn cung du doãn rồi. Ngày 21 tháng giêng đã xuống dụ cho biết việc Trẫm lập Hậu; ngày mồng một tháng này đã kỳ cáo Liệt miếu; ngày mồng 6 đưa vào Cung; ngày mồng 10 đã phải Mệnh quan đệ kim sách, kim bửu tấn phong làm Hoàng
hậu rồi.

Nay đại lễ đã thành, hồng ân ban bố, có các khoản thi ân và thích giảm sẽ do các bộ sở quan thương thỏa công bố thi hành.

Đạo sinh thành quẻ Khôn đối với quẻ Càn, chữ “Quí quỉ” cũng thể theo kinh Dịch; nền phong hóa việc nhà suy ra việc nước, thơ “Quan quan” là chép trước kinh Thi. Vậy nên bá cáo mọi người cùng hay.

Khâm tai!”

chuyenxua.net biên soạn
Tư liệu: Nam Phương Hoàng Hậu của Lê Lan Khanh

Viết một bình luận