Lịch sử hình thành của những thương hiệu nổi tiếng trước năm 1975 – Bài 4: Dầu gió Nhị Thiên Đường

“Nhất dương chỉ, Nhị thiên đường, Tam tông miếu, Tứ đổ tường, Ngũ vị hương, Lục tào xá” là câu đồng dao mà trẻ em nhiều thế hệ thường hát xướng cùng nhau mỗi khi tụ tập. Câu hát nhắc đến thương hiệu dầu gió từng làm mưa làm gió một thời ở Nam Bộ: dầu Nhị Thiên Đường.

Thời xưa, dầu Nhị Thiên Đường được dân chúng gọi là “dầu trị bá bệnh”, vì hễ khó ở là người ta lấy ra xài. Đau đầu lấy ra thoa hai bên thái dương, ho thì thoa lên cổ, đau bụng thoa chỗ bao tử, cảm lạnh sổ mũi thoa hai lỗ mũi, cần cạo gió thì thoa lưng, đau cơ ở đâu thì thoa ở đó, nếu bị côn trùng cắn hay là dị ứng cũng thoa lên da. Không chỉ dùng ngoài ra, dầu còn dùng cho vết thương hở, như là bị mèo cào, gai xước, chảy máu… thì dầu này cũng như thuốc sát trùng hay cồn y tế. Ngay cả sâu răng cũng lấy cây tăm quấn miếng bông gòn thấm dầu chấm vào chỗ đau nhức. Thậm chí là chẳng may trúng thực cũng cho vài giọt vào ly nước nóng mà uống, hoặc là nếu cần xông hơi trị cảm thì khỏi cần kiếm lá xông chi mắc công, nhỏ vài giọt dầu vào nồi nước sôi là xong. Thật đúng là một loại thần được chữa bách bệnh.

Người đã đưa nhãn hiệu dầu Nhị Thiên Đường lên đỉnh cao suốt nhiều thập kỷ là Vi Thiều Bá (tự là Vi Khai). Cha của ông là Vi Kính Trang, vốn là người huyện Tam Thủy, tỉnh Quảng Đông – Trung Quốc, đến Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ 20 và hành nghề bói toán. Ông lấy vợ người Việt, sinh ra con trai là Vi Thiều Bá. Nhờ tinh thông về y thuật nhờ học lại từ cha của mình là Vi Tế Sanh, ông Vi Kính Trang sáng lập dòng thuốc “Hiệu ông Phật” ở Chợ Lớn từ khoảng năm 1900, sau đó vài năm thì trao lại việc kinh doanh cho con trai. Ông Vi Thiều Bá khi đó theo học trường kinh doanh và trường trung cấp y khoa của Pháp; thông thạo tiếng Pháp, Anh, Việt và Trung.

Năm 1905, sau khi du học từ Pháp trở về, ông thành lập nhà thuốc Châu Á Nhị Thiên Đường tại số 47 Rue De Canton ở Chợ Lớn, nay là đường Triệu Quang Phục, một trong những con đường xưa nhất Chợ Lớn. Nhãn thuốc Nhị Thiên Đường được ông Vi Thiều Bá đặt dựa trên quan niệm “ân dĩ thực vi thiên (lời trong Đạo đức Kinh của Lão Tử), “dĩ dược vi đệ nhị thiên” (dân coi miếng ăn như trời, coi thuốc là trời thứ 2), về mặt bao bì, ông vẫn giữ lại nhãn hình ông Phật từ dầu Hiệu Ông Phật của cha. Là người được đào tạo bài bản về y khoa và cả kinh doanh, ông Vi Thiều Bá đã có những cách thức bán hàng vô cùng sáng tạo và độc đáo khiến tên tuổi của dầu Nhị Thiên Đường dần có chỗ đứng trên thị trường.

Năm 1920, dầu Nhị Thiên Đường đã rất nổi tiếng nhưng lại phải đối mặt với nạn hàng giả hàng nhái. Để quảng bá thương hiệu một cách tự nhiên nhất, đồng thời giúp khách hàng phân biệt được hàng giả hàng nhái, ông Vi Thiều Bá cho người soạn cuốn sách Nhị Thiên Đường – Vệ sanh chỉ nam, phát hành hàng năm từ năm 1920 đến 1939. Nhà in Imprimerie de I’Union, sau thành nhà in Nguyễn Văn Của (13 rue Lucien Mossard, Sài Gòn) là nơi được ông Vi Thiều Bá chọn để in sách với số lượng lớn, nhằm đem tặng cho khách hàng mua dầu gió và khách vãng lai khắp nơi. Đến nay, một số tập sách vẫn còn được lưu giữ trong Thư Viện Quốc Gia Pháp và Thư Viện Quốc Gia Việt Nam.

Có một điều mà có không ít người nhầm lẫn, tưởng Nhị Thiên Đường chí có 1 sản phẩm duy nhất là dầu gió. thực ra Nhị Thiên Đường là tên của 1 nhà báo chế thuốc Đông Y (cũng gọi là thuốc Bắc) lớn, có thể là lớn nhứt Đông Dương, với rất nhiều loại thuốc khác nhau, trị hầu hết các chứng bệnh từ nhẹ tới nặng, như trong bài quảng cáo dưới đây:

Cuốn sách giới thiệu rõ lai lịch của chủ nhân và thương hiệu dầu Nhị Thiên Đường. Theo cuốn sách này, ngoài trụ sở số 47, nhà thuốc Nhị Thiên Đường còn có một chi nhánh khác ở số 38 rue de Canton, nằm gần với trụ sở chính. Cuốn sách Vệ Sanh Chỉ Nam rất được người dân ưa chuộng, đặc biệt ở các bến xe lục tỉnh không chỉ bởi nó in các thông tin về vệ sinh phòng bệnh và các bài thuốc chữa bệnh thông thường mà còn in kèm các truyện ngắn và tiểu thuyết đang thịnh hành thời bấy giờ. Ban đầu cuốn sách được phát miễn phí hoàn toàn nhưng lượng người xin về đọc quá lớn, ông chủ bèn cho in thêm trang sách và in với số lượng lớn rồi đem bán với giá cực rẻ để bù lại chi phí in ấn.

Cần phải nói thêm rằng, ông Vi Thiều Bá là một người có quan hệ giao hảo khá thân thiết với giới nhà báo, nhà văn ở Sài Gòn – Chợ Lớn khi đó như ông chủ nhiệm Đông Pháp Thời Báo – Nguyễn Kim Đính, ông nhà văn và chủ bút Nông Cổ Mín Đàm – Nguyễn Chánh Sắt, nhà văn Hồ Biểu Chánh, Lê Hoằng Mưu,…

Chính do sự thân thiết này mà nhà văn Hồ Biểu Chánh và một số nhà văn khác đã đồng ý cho đăng tiểu thuyết của mình trong cuốn Vệ Sinh Chỉ Nam. Trong trong phần quảng cáo, ông Nguyễn Kim Đính cũng đã góp vài lời tung hứng:

“Nhà thuốc Nhị Thiên Đường là một nhà thuốc rất to tác trong dược giới bên cõi Á Đông nầy, thuốc chế đã tinh anh mà giá bán lại rẻ, danh tiếng vang lừng khắp trong hoàn võ; đối với văn minh xã hội trong thế kỷ hai mươi nầy thì cái công lao cũng chẳng nhỏ.

Nay ông chủ tiệm Nhị Thiên Đường chẳng nài hao tốn mà in ra quyển Vệ Sanh Chỉ Nam này thì tiện lợi cho xã hội dường nào; người chưa bịnh thì biết chỗ mà dự phòng, kẻ có bịnh lại biết thuốc hay mà điều trị…”

Và rất nhiều lời thơ cảm tạ, thư từ khen tặng (gọi là “lời minh tạ”) về công dụng thần kỳ của các loại thuốc của các khách hàng từ khắp Bắc, Trung, Nam, Lào, Cam Bốt,.. gửi tới, trong đó có nhiều nhân vật nổi tiếng.

Để đối phó với nạn hàng giả, cuốn sách chỉ rõ các dấu hiệu phân biệt hàng giả mạo và kêu gọi mọi người cảnh giác, đồng thời rao thưởng số tiền lớn là 500 đồng (khoảng 200 triệu) cho ai tìm được kẻ làm thuốc giả. Nổi bật nhất phải kể đến là vụ ông Trương Xuyên (chủ tiệm Nhị Ngươn Đường hay Nhị Thái Đường) bị ông Vi Thiều Bá kiện vì bán hàng nhái dầu Nhị Thiên Đường và phải bồi thường thiệt hại vào năm 1928.

Năm 1930, ở trong nước, Ông Vi Thiều Bá cho đặt thêm các đại lý ở số 76 Phố Hàng Buồm – Hà Nội và số 18 Gia Hội – Huế, còn ở nước ngoài thì mở thêm xưởng sản xuất và kinh doanh ở Hồng Kông và Quảng Châu.

Với những thành tựu của mình, ông Vi Thiều Bá được chính phủ Pháp trao tặng “Long Bảo Tinh” vào năm 1932, và được lưu tên trong Niên Giám Đông Dương vào năm 1933. Ngoài ra, ông còn nhận được bằng khen của Hoàng đế An Nam và Vua Cam Bốt, hai bằng khen này được in trang trọng ở trang đầu cuốn sách Nhị Thiên Đường – Vệ Sanh Chỉ Nam dày 336 trang số ra năm 1931.

Đến năm 1938, nhà thuốc Nhị Thiên Đường đã có chi nhánh ở hầu khắp các thủ phủ của các nước lân cận: Quảng Đông, Hương Cảng, Thượng Hải, Bangkok, Singapore, Java, Nam Vang,…

Năm 1940, ông Vi Thiều Bá qua đời, hai người con trai của ông là Cơ Trạch và Cơ Ân tiếp tục nối nghiệp cha nhưng vì nhiều lý do cái tên Nhị Thiên Đường dần suy yếu.

Từ năm 1969, con cái ông Vi Thiều Bá lần lượt ra nước ngoài định cư, ủy nhiệm cho một người tên Lâm Vinh Thọ phụ trách việc sản xuất và kinh doanh ở Việt Nam. Sau 1975, vì có quá nhiều sản phẩm Nhị Thiên Đường giả nên các giới có thẩm quyền đã khuyến khích ông Lâm Thọ Vinh sản xuất lại dầu gió Nhị Thiên Đường thứ thiệt. Nhưng đến năm 1976, Dầu Nhị Thiên Đường tiếp tục phải ngưng sản xuất do hết nguyên liệu.

Sau nhiều thăng trầm, đến ngày 22/6/1991, ông Lê Vinh Thọ chính thức chấm dứt quyền sử dụng tên và nhãn hiệu Nhị Thiên Đường.

Đến năm 2012, Thương hiệu NHỊ THIÊN ĐƯỜNG (tức Công Ty TNHH Đông Nam Dược Nhị Thiên Đường) được một doanh nhân mua lại và dự kiến sẽ chính thức quay trở lại thị trường Việt Nam.

Trụ sở chính của nhà thuốc Nhị Thiên Đường nay là số 47 Triệu Quang Phục, Quận 5 vẫn còn đó nhưng đã thuộc về chủ nhân, với một bộ mặt khác và chuyển sang kinh doanh mặt hàng khác.

Dấu vết còn lại của cái tên Nhị Thiên Đường nổi tiếng một thời có lẽ chỉ còn cây cầu cùng tên Nhị Thiên Đường. Việc cây cầu cùng tên với thương hiệu dầu gió lừng lẫy một thời cũng được lý giải theo nhiều cách nhưng đều ít nhiều có liên quan.

Có ý kiến cho rằng, năm 1925, ông Vi Thiếu Bá đã chủ động đề xuất với chính quyền và bỏ tiền ra xây cây cầu bắc ngang Kênh Đôi để thuận tiện cho việc đi lại của người dân và cho chính các công nhân của ông khi đi đến xưởng sản xuất, thay vì phải đi đò qua. Một nguồn tin khác lại nói rằng, chính phủ Nam Kỳ đã chủ động xây cây cầu hoàn toàn bằng ngân sách của chính quyền và đặt tên là Cầu Mới, nhưng do ở gần chân cầu có kho hàng của hãng Nhị Thiên Đường nên người dân gọi là cầu Nhị Thiên Đường.

 

Đông Kha – chuyenxua.net biên soạn

1 bình luận về “Lịch sử hình thành của những thương hiệu nổi tiếng trước năm 1975 – Bài 4: Dầu gió Nhị Thiên Đường”

Viết một bình luận