Lịch sử hình thành “khu nghỉ dưỡng Tam Đảo” và những hình ảnh hiếm 100 năm trước

Những năm cuối thế kỷ 19, sau khi người Pháp đã hoàn tất việc chinh phục Đông Dương mà họ gọi là xứ Đông Pháp và đang trong qua trình quy hoạch xây dựng các đô thị, người Pháp gặp một thách lớn lớn, đó là tình hình bệnh tật của sĩ quan và binh lính khi phải đối mặt với thời tiết khắc nghiệt của miền nhiệt đới, nhiều bệnh nhân nặng thậm chí phải được thuyên chuyển về lại chính quốc bằng tàu biển để được sống lại trong bầu không khí ôn đới, hy vọng sức khỏe được phục hồi nhanh hơn. Tuy nhiên biện pháp này tốn rất nhiều chi phí nhưng không đạt được hiệu quả như mong muốn, thậm chí có nhiều binh lính phải bỏ mạng trên tàu trong nhiều tháng lênh đênh trên biển vượt đại dương.

Trước hình hình cấp bách đó, Toàn quyền Đông Dương nhậm chức năm 1897 đã chỉ thị các thuộc cấp ráo riết thu thập thông tin về những địa điểm khả dĩ cho một “viện điều dưỡng miền núi, nơi những viên chức cũng như dân định cư có thể lên đó nghỉ ngơi phục hồi sức khỏe”. Đó là công việc được gọi là “tìm kiếm Thụy Sĩ ở Đông Dương”. Sau đó cao nguyên Lang Biang được phát hiện ra và xây dựng thành phố nghỉ dưỡng, được xem là trạm nghỉ dưỡng chính của Pháp ở Đông Dương. Tuy nhiên lúc đó Pháp cai trị toàn cõi Đông Dương rộng lớn, và mỗi một khu vực đều có một trạm nghỉ dưỡng như vậy. Trung và Nam kỳ có Đà Lạt và Bà Nà (nay thuộc Đà Nẵng), ở Cambodge có Bokor, Lào có Trấn Ninh (từng thuộc nước Đại Nam thời vua Minh Mạng), và ở Bắc Kỳ có Sapa, Mẫu Sơn, Tam Đảo.

Một số hình ảnh Tam Đảo hơn 100 năm trước:

Tam Đảo năm 1923
Thác Bạc
Cây cầu này vẫn còn tới nay
Cây cầu kiểu Nhật Bản, bắc qua con suối, gần khu bắt đầu lên Tam Đảo, gần sân chơi trẻ em
Hồ bơi Tam Đảo

   

Đền thờ Đức Thánh Trần nguyên bản ở Tam Đảo

   

Biệt thự của Công sứ Vĩnh Yên

Ngoài việc nổi tiếng như là 1 trạm nghỉ dưỡng, trong quá khứ Tam Đảo còn rất hoang vu nên thích hợp làm nơi ẩn náu của các lãnh tụ khởi nghĩa, hoặc các thủ lĩnh phiến quân.

Vào giữa thế kỷ 18, cuộc khởi nghĩa nông dân Đàng Ngoài của nhà nho Nguyễn Danh Phương chống lại chúa Trịnh nhưng thất bại nên đã rút về cố thủ ở núi Tam Đảo, xây dựng lực lượng để tính kế lâu dài. Sử cũ chép:

“Nguyễn Danh Phương vốn là dư đảng của Tế, chiếm núi Tam Đảo, lợi dụng địa thế hiểm- trở để xây thành đắp lũy, chiêu mộ dân binh, quyên góp lương thực và rèn đúc khí giới, họp phe đảng ẩn náu trong núi rừng”.

Từ Tam Đảo, Nguyễn Danh Phương liên tục tổ chức nhiều cuộc tấn công ra các vùng chung quanh, gây chấn động khắp cả hai trấn Tuyên Quang và Hưng Hóa, nhưng cuối cùng cũng thất bại vì không thể chống nổi đại quân của chúa Trịnh Doanh.

Thế kỷ 19, ở Bắc kỳ có loạn quân Cờ Đen, là một nhóm đảng cướp có quân số đa số xuất thân từ quân đội người Tráng, di chuyển từ vùng Quảng Tây của Trung Quốc băng qua biên giới vào hoạt động ở miền núi phía Bắc kỳ thuộc triều đình Huế vào năm 1865, được biết đến nhiều chủ yếu do những trận đánh với quân Pháp. Đội quân này mang tên Cờ Đen là do thủ lĩnh của họ, Lưu Vĩnh Phúc, ra lệnh dùng cờ hiệu màu đen.

Pháp đánh ra Bắc kỳ năm 1873, đại úy Francis Garnier bị thiệt mạng dưới tay quân Cờ Đen. Bị quân Pháp truy lùng, quân Cờ Đen ẩn náu khắp nơi, trong đó có vùng Tam Đảo.

Phong trào Cần Vương năm 1885, nghĩa quân do Nguyễn Văn Giáp lãnh đạo cũng đã lấy Tam Đảo làm căn cứ kháng Pháp. Sau đó các thổ hào ở địa phương gồm các ông Đề, ông Đốc (Đốc Khoát, Đốc Giảng, Đốc Huỳnh…) hưởng ứng Cần Vương cũng chọn Tam Đảo hoang vu làm cứ địa.

Từ những cuộc truy lùng các nghĩa quân phong trào Cần Vương, người Pháp phát hiện ra Tam Đảo. Trong lúc hạ trại dừng nghỉ, quân Pháp thấy nơi đây có khí hậu mát mẻ, rừng cây nguyên sinh, nên đã làm báo cáo gửi cho Công sứ Pháp, nói nơi đây khí hậu mát mẻ giống nước Pháp.

Công Sứ liền báo cáo gửi Toàn quyền Đông Dương là Jean-Marie de Lanessan (nhiệm kỳ 1891-1894), ông này vốn là Bác sĩ, nhà tự nhiên học, nên rất chú ý, và, điều động ngay 1 đoàn khảo sát lên Tam Đảo.

Đường lên Tam Đảo 100 năm trước

Tuy nhiên việc khảo sát không thực hiện được một cách suôn sẻ vì Tam Đảo liên tục là căn cứ địa của các nghĩa quân. Dù vậy vẫn có những báo cáo ban đầu là “Tất cả những điều kiện cần thiết cho một khu nghỉ dưỡng trên núi đều hội tụ đầy đủ ở đây. Trước hết là nước trong lành, tiếp đến là khí hậu mát mẻ. Trong những ngày trời nóng, nhiệt độ ở đây thường thấp hơn Hà Nội 10 độ.”

Khi Toàn quyền Doumer lên nắm quyền, ông tiếp tục cho khảo sát, lập báo cáo, vẽ bản đồ, và kế hoạch xây dựng khu nghỉ dưỡng Tam Đảo hình thành từ năm 1902, với những điều chủ yếu sau:

1. Phát triển khu nghỉ dưỡng chính ở Suối Bạc, tức Tam Đảo bây giờ
2. Làm đường từ Vĩnh Yên lên Tam Đảo
3. Xây dựng các biệt thự dọc theo vành núi cao, không tàn phá rừng trên đỉnh, lùi xuống độ cao so với đỉnh 100 mét, khu thung lũng làm công viên, bể bơi, thử nghiệm trồng hoa, cây cối đưa từ Pháp sang.
4. Sẽ trồng cây Thông từ dưới chân núi lên đỉnh, tập trung 3 loại thông cho phù hợp khí hậu.
5. Sẽ làm đường để thông 3 ngọn núi, xây dựng 3 khu nghỉ dưỡng trên 3 đỉnh núi, biến đây thành khu nghỉ đẹp nhất miền Bắc.

Bắt đầu từ năm 1902, công việc xây dựng trạm nghỉ dưỡng Tam Đảo được tiến hành. Chính quyền thuộc địa đã huy động dân phu của tỉnh Vĩnh Yên lên phá đá mở đường. Quan huyện Hương Canh phải đích thân chỉ huy dân làm đoạn đường từ km 20 đến km 24. Tại km 21, nơi có lán trại hồi đó, bây giờ còn cây gạo mà dân ta vẫn gọi là cây gạo Hương Canh, bởi những người dân Hương Canh đi làm đặt tên cho, cây gạo này giờ vẫn còn, người dân gọi là gốc Gạo.

Đường vào biệt thự nhà ông Millìes-Lacroix (cựu Bộ trưởng Quốc phòng Pháp) ở Tam Đảo, con đường trải sỏi trắng, có những cây hoa, cây thông Samu đang được trồng còn nhỏ
Trong ảnh là vợ chồng ông bà M. Adrien Millìes-Lacroix

Lúc này, ngoài rừng rậm thì dưới chân núi ở Tam Đảo có nhiều đồi trọc, cây cối thưa thớt. Để thu hút khách và tạo thành điểm du lịch mang phong cách Châu Âu, người Pháp đã trồng Thông từ dưới chân đồi trở lên, gồm 3 loại cây:

1. Thông đuôi ngựa, trồng từ chân lên điểm mốc Cát-xăng
2. Thông ba lá, trồng từ Cát-xăng lên gần đỉnh (người dân gọi thông Mật, cây rất cao to, thẳng, có nhiều nhựa)
3. Cây Samu (lá rất cứng)

Nhờ vậy mà sau đó Tam Đảo có rừng thông rất đẹp tồn tại suốt hàng trăm năm.

Dân cư ở Tam Đảo, trừ dân làng Mai là dân sinh sống đã lâu, còn lại đều là những người làm thuê từ các tỉnh dưới xuôi lên. Thống kê năm 1940, dân số Tam Đảo có khoảng 2000 người, trong đó 1000 là thường xuyên, số còn lại thì là khách, hoặc chủ nhân những ngôi biệt thự thi thoảng mới ghé.

Năm cao nhất là 1941, trước khi Nhật đảo chính, dân số Tam Đảo đạt 6000 người, bao gồm:

– Người Châu Âu: 2000
– Người Việt làm công cho chủ: 3000
– Số công chức, cảnh sát, lính tráng…: 1000 (cả Việt và Pháp)

Người Pháp bố trí ở thị trấn mới này một đồn cảnh sát, một đồn lính khố xanh và một trung đội lính Lê dương. Hình thành hai khu vực rõ rệt:

Khu I lịch sự, mát mẻ, sang trọng, đầy đủ tiện nghi, phục vụ đại gia Pháp, Việt Nam và các nhà buôn giàu có.

Khu II ở tầng thấp hơn, nơi tập trung các công nhân, phu phen, cu li được tuyển mộ từ Hà Nam, Phủ Lý và miền xuôi lên để khai thác Tam Đảo. Hết thời hạn hợp đồng thường là 3 năm, họ ở lại Tam Đảo tiếp tục sinh sống bằng nghề mộc, kiếm lâm thổ sản, nuôi ong, trồng hoa, trồng rau, làm bồi bếp, lao công… để phục vụ tầng lớp giàu có.

Trong quá trình Pháp xây dựng khu nghỉ mát Tam Đảo, đã xảy ra sự khởi loạn của người dân địa phương do chính sách đất đai. Pháp mua lại đất ở Tam Đảo để xây dựng, nhưng trả tiền đất quá rẻ, làm cho người dân làng Mai bất bình. Năm 1908, họ đốt phá khu nhà của Pháp và các biệt thự mới xây, rất nhiều người Pháp đã thiệt mạng, cho tới sau này thỉnh thoảng vẫn có người nói là thấy “ma Tây” ở Tam Đảo là vì thế.

Ngay sau đó Pháp đưa quân lên đánh tan những người nổi dậy, sau đó tập trung lại thành 1 khu gọi là Làng An Nam. Để tránh bị phiền nhiễu, thời đó riêng dân làng Mai phải có giấy mới được qua khu nhà nghỉ dưỡng của người Tây.

Khu làng Mai

Năm 1917, cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên của Đội Cấn chống Pháp, nhưng thất bại nên bỏ Thái Nguyên để qua Tam Đảo củng cố lực lượng định đánh vào trung tâm Vĩnh Yên (nay là Vĩnh Phúc). Được tin quân Đội Cấn đánh Pháp, lính Pháp đóng trên Tam Đảo phải rút bớt để tăng viện, dân làng Mai nhân đó lại nổi dậy, đốt nhà Bưu Điện và trạm điện, sau đó tấn công nơi lính khố xanh đóng, có 10 người Pháp và 5 người Việt thiệt mạng. Lần này quân Pháp lần này đàn áp mạnh tay hơn, dân làng Mai bị chết nhiều, còn bị cấm lai vãng tới gần khu Tây, mỗi hộ chỉ được cấp 1 diện tích đất đủ sống. Người Tây cũng bị cấm đến khu làng Mai.

Bưu điện Tam Đảo
Lối vào bưu điện Tam Đảo

Thời gian này, cuộc khởi nghĩa Yên Thế của Đề Thám (bắt đầu từ năm 1892) trở nên suy yếu. Năm 1909, nghĩa quân Yên Thế không thể chặn nổi đà tấn công quyết liệt của hàng vạn quân Pháp. Đề Thám vừa đánh vừa rút lui về núi Sáng trên dãy Tam Đảo, chọn nơi này làm cứ điểm tạm thời.

Thác Bạc ở Tam Đảo

Sau khi cơ sở hạ tầng, đường sá ở Tam Đảo đã tạm hoàn tất, vào năm 1913, khách sạn Thác Bạc (Hôtel – Restaurant de la Cascade d’Argent) được xây dựng, ban đầu chỉ có 16 phòng. Đó là khách sạn đầu tiên tại Tam Đảo. Việc người Pháp cho xây dựng khách sạn này là dấu hiệu mang tính quyết định cho sự phát triển của trạm nghỉ dưỡng Tam Đảo.

Khách sạn Thác Bạc (Hôtel – Restaurant de la Cascade d’Argent) lúc ban đầu

Cho đến tận năm 1912, bên cạnh những căn nhà nghỉ của Công sứ Vĩnh Yên và của Thống sứ Bắc Kỳ, ở Tam Đảo hầu như chỉ có nhà ở của lính gác chính, đồn lính khố xanh, một hoặc hai ngôi nhà nghỉ và hai hoặc ba hầm trú ẩn. Việc xây dựng bắt đầu mạnh lên từ sau khi có khách sạn Thác Bạc, đặc biệt là từ năm 1914, một ngôi làng được xây dựng gần khách sạn cùng với các toà biệt thự của tư nhân, của các công ty.

Khách sạn Thác Bạc sau khi được nâng cấp. Những chiếc xe sang trọng đậu trong sân khách sạn
Phòng ăn của khách sạn Thác Bạc, bày trí kiểu châu Âu, đơn giản nhưng sang trọng và lịch sự. Các đầu bếp ở đây chủ yếu người Pháp, phụ là người Việt, thực phẩm đưa đến đều có bác sĩ kiểm tra rất kỹ, có tủ lưu mẫu 24 giờ

Khi Tam Đảo đã thành một khu nghỉ dưỡng thực thụ, khách sạn Thác Bạc được xây dựng lại thành một toà nhà 5 tầng. Khách sạn này được công ty Compagnie Francaise hotelière đầu tư và xây dựng. Đây là tập đoàn khách sạn lớn được thành lập từ năm 1875, sở hữu khách sạn Métropole Hanoi, khách sạn Thác Bạc (Hôtel de la cascade d’argent) ở Tam Đảo, khách sạn Lớn (Grand Hotel) ở Sapa, khách sạn Ba thống chế (Hôtel des trois maréchanx) ở Lạng Sơn.

Bắt đầu từ năm 1910, công sứ Vĩnh Yên có đề nghị bác sĩ Yersin ra khảo sát, giúp tư vấn để Tam Đảo trồng loại cây gì, hoa gì cho đẹp và phù hợp với vùng núi phía Bắc, tuy nhiên lúc đó Yersin đang bận rộn với các công việc ở Đà Lạt và Nha Trang nên từ chối. Năm 1912-1914, các kỹ sư Pháp bắt đầu đem thử nghiệm các loại giống hoa, cây cảnh xứ lạnh trồng ở Tam Đảo, gồm Cẩm Tú Cầu, hoa Cẩm Chướng, Hoa Hồng, Loa Kèn, Loa Kèn đỏ, Diên Vỹ, Cỏ chân ngỗng… biến nơi này thành một vườn hoa khổng lồ.

Sân chơi trẻ em ở giữa lòng chảo Tam Đảo

Giữa lòng chảo là khu công viên dành cho các hoạt động thể thao văn hóa, có bãi rộng, có bồn hoa, ghế đá, sân chơi trẻ em… Có bể bơi dành cho người lớn, có cả bể bơi dành cho trẻ con; có sân quần vợt, có nhà bắn bia; xa và cao hơn về phía Đông bắc có sân bóng đá… có các ki ốt (nhà lục lăng), ở những nơi có tầm nhìn rộng, gần khách sạn Metropole và gần nhà Toàn quyền, phía trước ki ốt có bàn đá hình cánh cung, mặt bàn vạch các mũi tên chỉ hướng và khoảng cách tới các địa danh trung du đồng bằng… Nhiều giống cỏ, giống hoa các loại đưa từ Pháp sang (chỉ trồng được ở nơi mát). Vào hè, trăm loại hoa đua nở, trăm màu khoe sắc…

Hồ bơi Tam Đảo, được thiết kế phong cách kiến trúc Hy Lạp

Đến năm 1939, ở Tam Đảo đã xuất hiện nhiều nhà bê tông cốt thép kết hợp với tường gạch đá và được mở rộng về phía Đông Bắc. Các biệt thự ở Tam Đảo đều theo kiến trúc Pháp, điều đặc biệt là các biệt thự không nằm giữa trung tâm, không sát liền nhau mà được xây dựng men theo sườn núi; càng xa trung tâm lòng chảo càng nhiều nhà cao tầng. Mỗi biệt thự mỗi kiểu, mỗi kiểu mỗi tên, như L’horizon (chân trời nhà có tầm nhìn xa và rộng), Belle vue (view đẹp)…

Các biệt thự đều nằm ở phía bên kia con suối Bạc, nhưng dù nằm đâu thì các mặt nhà đều quay về phía thung lũng trung tâm. Việc quy hoạch các biệt thự nơi đây đã đạt đến trình độ nghệ thuật đến nỗi người ta nói rằng nơi đây có 100 biệt thự, và chúng được bố trí khoa học đến nỗi nếu đứng ở cửa bất kỳ biệt thự nào cũng có thể nhìn thấy 99 biệt thự còn lại xung quanh. Điều đó cũng dễ hiểu vì các kiến trúc sư Pháp là những bậc thầy về về quy hoạch.

Biệt thự của thống Sứ Bắc Kỳ, là khu quán Gió ngày nay

Ngoài ra ở Tam Đảo còn có Dinh nghỉ mát dành cho Toàn quyền, có kiến trúc đồ sộ nằm riêng trên một mỏm núi phía Nam thung lũng. Đường vào dinh Toàn quyền đi qua hai nhà của sĩ quan cao cấp quân đội Pháp, nơi đây có nhà thờ lớn xây bằng đá, tháp chuông cao chót vót, có nhà 7 tầng trườn theo sườn núi, có nhà mái bằng, có nhiều nhà mái ngói lợp màu nâu sẫm, có nhà lợp bằng mái đá đen mỏng. Ban đêm, ánh điện lấp lánh rực sáng núi rừng.

Dinh của Toàn quyền Đông Dương ở Tam Đảo nằm riêng wor 1 góc bên dưới hình

Tam Đảo vào thời kỳ hoàng kim của những năm 1935-1944 là nơi gặp gỡ của rất nhiều gia đình các quan lại, công chức cao cấp và các doanh nhân vừa giàu có vừa sang trọng, cả người Pháp và cả người Việt Nam. Họ lên đây không phải để làm việc mà nghỉ ngơi, dưỡng sức, để tâm tình và đàm đạo chính sự.

Thập niên 1930, Tam Đảo là một vùng rất giống bên Châu Âu về kiến trúc, bố trí, phong cảnh, cây cối, hoa cỏ, nên người Pháp rất thích lên đây nghỉ dưỡng. Ở xứ Bắc lúc đó còn có Sapa, nhưng ở đó có nhiều người dân tộc, và đường xa xôi hiểm trở, còn Tam Đảo rất gần Hà Nội và các tỉnh đồng bằng khác, đi lại thuận tiện, nên chính quyền Vĩnh Yên đã đệ trình kế hoạch phát triển khu này thành 3 điểm du lịch lớn nhất Đông Dương. Chính quyền thuộc địa đã tính đến làm đường sắt, đường ray theo kiểu Tháp Chàm – Đà Lạt, đã chọn xong nhà thầu năm 1939, kế hoạch đến 1940 thì khởi công, nhưng cuộc đảo chính Nhật đã phá hủy kế hoạch đó.

Nửa đầu thập niên 1940, nước Pháp trở nên suy yếu, dần dần mất quyền cai trị xứ thuộc địa vào tay người Nhật.

Năm 1945, quân Nhật chính thức giành lấy quyền kiểm soát Đông Dương từ tay Pháp, từ đó thì Tam Đảo cũng nằm dưới sự quản lý của Nhật, họ nên điều 1 trung đội lính lên quản lý. Nhật cho niêm phong những biệt thự mà chủ người Pháp đã chạy khỏi Tam Đảo, số còn lại do những người Việt nào trông nom cho chủ, đến đăng ký với Nhật, và phải điểm danh thường xuyên.

Lúc đó cả Tam Đảo chỉ có vài sĩ quan Nhật, còn lại toàn lính Việt, và là nơi hoạt động của những người theo Việt Minh.

Tháng 6 và 7 năm 1945, có nhiều trận đánh diễn ra giữa Việt Minh và lính Nhật ở Tam Đảo, quân Nhật mỏng nên thua trận. Các đường lên Tam Đảo trở thành độc đạo, du kích Vĩnh Yên phối hợp tác chiến, nổ mìn phá đường. Chiến xa của Nhật lên cứu viện nhưng không đi được.

Cuối năm 1946, Pháp quay lại Đông Dương sau thế chiến thứ 2.

Ngày 6 tháng 2 năm 1947, sau toàn quốc kháng chiến, quân Việt Minh cùng dân làng Mai tiến hành “tiêu thổ kháng chiến”, phá tan Tam Đảo, hầu hết các công trình biệt thự ở đây đều bị phá để cho Pháp không còn nơi để lưu trú. Khách sạn Metropole và khách sạn Thác Bạc rất kiên cố cũng thành đống gạch vụn.

Sau đây, mời các bạn xem lại bộ ảnh đẹp và cực hiếm của trạm nghỉ dưỡng Tam Đảo của thực dân Pháp hơn 100 năm trước:

Hồ bơi Tam Đảo. Ở phía sau, bên phải là khách sạn Thác Bạc

       


Những hình ảnh màu hiếm chụp Tam Đảo năm 1916. thời điểm Tam Đảo chỉ vừa mới trong giai đoạn đầu được xây dựng

Nhất cao là núi Ba Vì
Thứ ba Tam Đảo, thứ nhì Độc Tôn.

Đó là câu ca dao ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên, núi non hùng vĩ ở nước Việt xưa. Núi Ba Vì ở huyện Ba Vì, núi Độc Tôn thuộc huyện Sóc Sơn, nay đều thuộc Hà Nội, còn Tam Đảo nằm ở Tây Bắc của Hà Nội, trên địa bàn ba tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và Tuyên Quang ngày nay. Gọi là Tam Đảo vì ở đây có ba ngọn núi cao là Thạch Bàn, Thiên Thị và Máng Chỉ. Ngọn cao nhất có độ cao tuyệt đối là 1.591m, còn lại có độ cao là 1.542m, và 1496m.

Vào thế kỷ 18, Lê Quý Đôn chép rằng núi Tam Đảo ở địa phận hai xã Lan Đình và Sơn Đình, huyện Tam Dương. Mạch núi này do khí thế cao cả của các núi ở xã Ký Phú, Huân Chu và Cát Nê thuộc huyện Phú Lương và Đại Từ trấn Thái Nguyên kéo đến. Đến đây đột khởi ba ngọn cao vót đến tận mây xanh, phía sau núi vách đá đứng sừng sững; đỉnh núi đất đá lẫn lộn, cây cối rậm rạp xanh tươi, nhiều cây hồi hương và cây quế, chân núi ở đằng trước, về bên tả có khe Giải Oan, tức thượng lưu sông Sơn Tang, huyện An Lạc, từ khe Giải Oan này chảy xuống Sơn Tang, qua Hương Canh, chảy ra Nam Viên rồi vào sông Nguyệt Đức, ở giữa ngọn núi gọi là núi Kim Thiên, cao chót vót, ghềnh thác không biết bao nhiêu mà kể.

Bên dưới sắc nước như chàm, sâu thẳm, không thấy đáy, sườn núi có chùa Tây Thiên cổ tự, tre xanh thông tốt, trên núi cao có chùa Đồng Cổ, lên xuống phải mất hai ngày. Từ phía tả khe Giải Oan trèo lên núi, đến hồ sen, nước xanh biếc,trong hồ có thứ đá lạ và có sen đỏ, hoa nở bốn mùa, hai bên ngoài hồ, suối từ sườn núi chảy ra, bên trái gọi là suối Bạc, bên phải là suối Vàng. Chùa bên phải gọi là chùa Địa ngục (Địa ngục tự), suối từ trong khe cửa chảy ra, sắc nước trông như vàng, suối Vàng, suối Bạc hợp lưu ở trước hồ Sen, quanh co chảy xuống rồi hợp lưu với khe Giải Oan. Từ bên hồ đi qua hai dặm, lại theo từng đợt mà lên, khoảng nửa dặm đường lại bằng phẳng, thành đá đứng sững, ở giữa có ba nền bằng đất rất dài, lại có tám tòa đá vuông đừng sững trông như dáng bát bộ kim cương. Từ đây lên mấy dặm nữa, lại thấy chùa Đồng.

Một số hình ảnh Tam Đảo ngày nay:

 

chuyenxua.net biên soạn

1 bình luận về “Lịch sử hình thành “khu nghỉ dưỡng Tam Đảo” và những hình ảnh hiếm 100 năm trước”

Viết một bình luận