Lịch sử hình thành và những hình ảnh xưa của Vườn Bách Thảo Hà Nội

Vườn bách thảo Hà Nội (công viên Bách Thảo) được ví như là là phổi xanh của Hà Nội, được người Pháp xây dựng từ năm 1890, sau khi chiếm được nơi này làm thuộc địa và bắt đầu quy hoạch, xây dựng thành phố Hà Nội thành một thủ đô của liên bang Đông Dương.

Vườn Bách Thảo nằm trên khu đất thuộc các làng, Ngọc Hà, Khán Xuân và Hữu Tiệp ngày xưa, nằm sát bên ngoài thành Hà Nội và ngay bên hồ Tây.

Nơi này có sẵn một hồ nhỏ rất đẹp vốn là ao đầm của làng Khán Xuân, người Pháp đã cho xây dựng một quần thể vườn bách thảo, đào sâu thêm ao có sẵn để tạo thành hồ nước đẹp, đồng thời lấy núi Sưa làm cao điểm. Gọi là núi nhưng nó chỉ cao như cái gò (gò Sư Sơn), bên dưới gò sau này dựng 1 dãy chuồng nhốt thú.

Ban đầu, khi chưa nuôi nhốt thú vật thì nhiệm vụ chính của vườn Bách Thảo là nơi thí nghiệm trồng cây vùng nhiệt đới. Dược sĩ hải quân Brousmiche được Toàn quyền Đông Dương biệt phái về Sở Canh Nông để nghiên cứu và làm tờ trình về ươm giống các loại cây ở vườn bách thảo.

Dự kiến ban đầu vườn thí nghiệm này là một khu vực rộng tới 50 héc ta, từ làng Ngọc Hà ra sát hồ Tây, nhưng khi thực hiện thì vườn bách thảo chỉ chiếm 12.5 héc ta, ra tới đường Thành (digue Parreau – nay là đường Hoàng Hoa Thám) chứ không tới hồ Tây. Phía bên kia đường, từ digue Parreau tới hồ Tây là vườn ươm cây của thành phố, không thuộc vườn bách thảo.

Đường Puginier thẳng vào cổng vườn Bách Thảo (nay là đường Điện Biên Phủ), bên phải là dinh Toàn Quyền

Bên trong vườn Bách Thảo có di tích lâu đời là đền Núi Sưa nằm trên ngọn núi Sưa, là nơi thờ Huyền Thiên Hắc Đế – theo truyền thuyết là vị thần có công phò trợ vua Lý Thánh Tông, và là thành hoàng tại 2 đình làng Ngọc Hà, Hữu Tiệp. Tên gọi núi Sưa xuất phát tử việc nơi này có nhiều cây Sưa, loại cây quen thuộc của đất Thăng Long.

Trước mặt núi Sưa có một hồ rộng, trong hồ có một đảo nhỏ gọi là đảo Con Nhện. Khi tiến hành làm vườn Bách Thảo, công nhân phát hiện ở sát hồ có một ngôi mộ ở sát hồ này với tấm bia ghi là mộ của Lê Chất, cựu tổng trấn Bắc Thành, sau khi qua đời đã bị vua Minh Mạng truy tội cùng lúc với Tổng trấn Gia Định Thành Lê Văn Duyệt. Mộ được xây lại ở chỗ cũ, tuy nhiên có thể đây chỉ là mộ gió, vì Lê Chất mất ở quê nhà Bình Định.

Việc làm vườn Bách Thảo mất tới mấy năm, chính quyền sử dụng lao động là phạm nhân. Vào tháng 6 năm 1894, một nhóm 12 phạm nhân nhà tù Hỏa Lò được đưa ra làm việc. Những người này vốn thuộc nghĩa quân Bãi Sậy của phong trào Cần Vương, thừa lúc lính canh không để ý đã cướp súng bắn gục 8 tên rồi chạy trốn lên ngả Sơn Tây. Bị đuổi bắt, 12 người họ chống cự kịch liệt, nhưng số lượng ít ỏi như vậy dễ dàng bị hạ trước đội quân Pháp đông đảo, chỉ có 1 người vượt vòng vây chạy thoát.

Sau này, cái tên Bãi Sậy được đặt tên cho một vườn hoa ngay phía trước cổng vào vườn Bách Thảo, ngày nay vẫn còn, nằm ở một góc của quảng trường Ba Đình (thời Pháp là quảng trường Tròn).

Quảng trường Tròn, nay là quảng trường Ba Đình. Trong hình này còn thấy được Dinh Toàn Quyền (nay là phủ Chủ Tịch), cổng vào vườn Bách Thảo (nay là vị trí lăng). Vườn Bách Thảo nằm ở góc trên bên trái của hình này

Cái tên Ba Đinh được thị trưởng Trần Văn Lai (thời chính phủ Trần Trọng Kim) đặt vào tháng 7 năm 1945, chỉ hơn 1 tháng trước sự kiện chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập tại đây. Ba Đình cũng là tên cuộc khởi nghĩa liên quan tới phong trào Cần Vương.

Dinh Toàn Quyền được xây trên đất vườn Bách Thảo

Năm 1897, việc phá dỡ tường thành của thành Hà Nội hoàn tất, chính quyền quyết định lấy một phần đất phía Tây Bắc của thành cũ và một phần đất của vườn Bách Thảo để xây dinh Toàn quyền mới, chuẩn bị cho việc dời thủ đô của Liên bang Đông Dương từ Sài Gòn ra Hà Nội.

Mặt sau Dinh Toàn Quyền (nay là Phủ Chủ tịch nước), nhìn ra vườn Bách Thảo

Thời điểm đó ông Toàn quyền Đông Dương là Paul Doumer vẫn làm việc tại Dinh Norodom ở Sài Gòn, trước đó vốn là Dinh Thống Đốc Nam kỳ.

Một điều đặc biệt, đó là cổng vào Dinh Toàn Quyền được xây dựng với phong cách trang trí thời Phục Hưng, sát bên cổng sắt của Dinh Toàn Quyền thì cổng vào vườn Bách Thảo cũng được xây dựng, với quy mô và kích thước lớn hơn nhiều so với cổng dinh Toàn Quyền:

Bên trái là cổng vườn Bách Thảo, còn cổng sắt nhỏ bên phải là cổng vào Dinh Toàn Quyền

Ngày nay, dinh Toàn Quyền là Phủ Chủ tịch nước, còn cổng vào vườn Bách Thảo được dỡ bỏ vào đầu thập niên 1970 để xây lăng chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ban đầu, nơi này được gọi là vườn Bách Thảo, vì chỉ có cây cối, nơi trồng thử nghiệm các loại cây. Theo thống kê, vườn Bách Thảo có 3000 loài thảo mộc khác nhau, đa số được nhập từ nước ngoài, gồm đủ loại cây công nghiệp, nông nghiệp, cây cảnh, cỏ nuôi gia súc, cây thân lớn và cây nhỏ, các loài hoa… Những học sinh trung học thời Pháp, khi học giờ sinh vật sẽ vào trong công viên này để đi thực nghiệm, và đây cũng là nơi nghiên cứu của các nhà thực vật học.

Hai đường chéo góc trong hình là Puginier và Pièrre Pasquier (nay là Điện Biên Phủ và Hoàng Diệu), trong đó đường Puginier đâm thẳng tới vườn Bách Thảo nằm ở góc trên bên phải hình này

Có nhiều giống hoa từ ngoại quốc được mang về vườn Bách Thảo và trồng ra ở các làng xung quanh, dần dần thành nghề trồng hoa cho các làng xung quanh vườn Bách Thảo, trong đó làng Ngọc Hà và Hữu Tiệp nổi tiếng từ đó cho tới nay với nghề trồng hoa.

Mỗi sáng sớm người dân Ngọc Hà gánh hoa ra bán ở bờ hồ Hoàn Kiếm (phía đường Paul Bert, nay là Tràng Tiền), tạo thành một nét đẹp văn hóa Hà Nội và đi vào trong văn học bằng tác phẩm Gánh Hàng Hoa nổi tiếng của Nhất Linh. Cũng từ đó, người dân cũng gọi vườn Bách Thảo là trại Hàng Hoa, là nơi ươm các loại hoa đẹp và lạ trước khi đem trồng ở làng hoa Ngọc Hà.

Cũng giống như Vườn Ông Thượng (sau là vườn Tao Đàn) ở Sài Gòn, vườn Bách Thảo dần dần bị các công trình công sở lấn chiếm diện tích. Sau khi cắt một phần đất để xây Dinh Toàn Quyền, sau đó các cơ sở phụ trợ cho Dinh Toàn Quyền cũng được xây dựng trên phần đất của vườn Bách Thảo. Năm 1920, góc Tây Nam của vườn còn mọc lên một khu công sở thuộc nha Canh Nông. [Cùng chung số phận là Vườn Ông Thượng ở Sài Gòn, sau khi phải cắt phần lớn đất cho Dinh Thống Đốc (Dinh Norodom, sau là Dinh Độc Lập), lại bị cắt thêm đất để xây Viện Dục Nhi (sau là trụ sở Bộ Y Tế thời VNCH), Nhạc Viện, các cơ sở của Hội Hiếu Nhạc, Hội Kỵ Mã, Nhạc Viện, Cercle Sportif Saigonnais (nay là Cung văn hóa Lao Động) đều được xây trên đất cũ]

Mặc dù vậy, không gian xanh của vườn Bách Thảo vẫn còn lại khá nhiều, vẫn là một công viên lớn, là nơi giải trí, tránh nắng trong mùa hè của người dân Hà Nội. Cây cao tán rộng phủ kín tỏa bóng mát xuống các con đường rộng ngang dọc khắp công viên. Các hồ nước trong vườn Bách Thảo đều trồng sen, mùa hè có hương thơm theo gió mát.

Thời gian sau đó, vườn Bách Thảo trở thành vườn Bách thú, khi nơi này bắt đầu có thêm những chuồng nhốt thú, có hổ, báo, gấu, khỉ, dãy chuồng nằm dưới chân núi Sưa, và trên đảo Con Nhện có thả nhiều loại chim.

Trẻ con thời đó rất thích được cha mẹ dẫn đi chơi Vườn bách thú, nơi mà ngày chủ nhật còn có đội kèn nhà binh hòa nhạc, thỉnh thoảng trên đền núi Sưa còn có biểu diễn kịch rối của Tây. Công viên này dần trở thành khu vui chơi với nhiều trò giải trí đa dạng.

Dù vậy, với những người ngán ngẫm thời cuộc thì họ lại có tâm trạng khác, như hồi thập niên 30 thế kỷ trước, nhà thơ Thế Lữ khi đi thăm chuồng cọp nơi đây đã cảm tác thành bài thơ nổi tiếng là Nhớ Rừng:

Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt,
Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua,
Khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ,
Giương mắt bé diễu oai linh rừng thẳm,

Nay sa cơ, bị nhục nhằn tù hãm,
Để làm trò lạ mắt, thứ đồ chơi.
Chịu ngang bầy cùng bọn gấu dở hơi,
Với cặp báo chuồng bên vô tư lự.
(…)

Trước Thế Lữ, cũng đã có một nhà nho viết bài thơ này sau khi thăm Vườn Bách thú:

Một đám cây xanh một dãy chuồng​
Mỗi chuồng nhốt một thứ chim muông​
Khù khì vua cọp no nằm ngủ​
Nhớn nhác dân hươu đói chạy cuồng​

Lũ khỉ được ăn bày lắm chuyện​
Đàn chim chực miếng hót ra tuồng​
Lại còn gấu dại vài ba chú​
Hì hục tranh nhau một khúc xương.

Bên trong vườn Bách Thảo còn có một tượng đài bán thân nhỏ của Toàn quyền Joost van Vollenhoven (tạm giữ chức tạm thời chỉ trong 1 năm 1914-1915) ở gần phía tường thành cũ (digue Parreau – nay là đường Hoàng Hoa Thám).

Năm 1954, hầu hết thú trong công viên này được chuyển vào Thảo Cầm Viên Sài Gòn và công viên Thủ Lệ, nơi này trở lại thành vườn Bách Thảo.

Thời gián sau đó, khi Khu di tích lịch sử Ba Đình được xây dựng thì vườn Bách Thảo bị thu hẹp sau khi nhường một phần khá lớn diện tích, chỉ còn khoảng hơn 10 héc ta diện tích nằm trong địa phận phường Ngọc Hà thuộc quận Ba Đình.

Một số ảnh xưa khác của vườn Bách Thảo Hà Nội:



chuyenxua.net biên soạn

Viết một bình luận