Nhớ về chiếc xích-lô Sài Gòn của một thời

Xích lô là phương tiện vận tải thô sơ đã từng phổ biến trên khắp Việt Nam, đặc biệt là các thành phố lớn, với đặc điểm “nhanh chóng, tiện lợi, mọi lúc, mọi nơi”. Có thể nói đây là phương tiện giao thông “thuần Việt”, dù nó không được khai sinh ra ở Việt Nam, nhưng Sài Gòn chính là nơi mà xích lô bắt đầu được phổ biến rộng rãi.

Người Pháp gọi phương tiện này là cyclopousse, người Việt nói thành “xích lô”. Danh từ ghép tiếng Pháp ấy gồm 2 thành tố: cyclo, nghĩa là xe đạp, và pousse tức pousse – pousse, nghĩa là cái xe kéo tay. Ngay tên gọi đã cho thấy nguồn gốc hình thành phương tiện giao thông độc đáo này.

Xích lô xuất hiện vào khoảng năm 1939, với ciếc đầu tiên do một người dân miền Charente tên là Coupeaud, một người đam mê thể thao phát minh ra. Phải vất vả lắm ông mới vận động Bộ Công chánh công nhận sáng chế và cấp phép lưu hành, sau khi đã tham khảo ý kiến của hai nhà vô địch Tour de France là Georges Speicher và Le Grèves.

Nhưng rốt cuộc nó lại không trở thành phương tiện giao thông ở nước Pháp mà thành phố đầu tiên được cấp phép sử dụng loại phương tiện này là ở thuộc địa: Phnompenh. Từ Phnompenh, Coupeaud đã tổ chức một cuộc hành trình tới Sài Gòn. Hai người đạp thuê đã thay phiên nhau đạp một mạch gần 200 km hết có 17 giờ 23 phút. Số liệu thống kê cho biết, cuối năm 1939, Sài Gòn chỉ có 40 chiếc xích lô thì qua năm 1940, con số này đã là 200 chiếc.

Tháng 2 năm 1941, Bảy Viễn cùng một người Pháp là Maurice lập công ty Mauvien có 30 chiếc độc quyền khu vực Chợ Lớn.

Tuy nhiên, trước khi xích lô xuất hiện ở Sài Gòn vài năm, hình dáng chiếc xích lô giống ngày nay đã được một nhà báo người Việt mô tả từ năm 1932. Trong phóng sự Tôi Kéo Xe viết năm 1932, tác giả Tam Lang đã đề xuất cách chế tạo một thứ xe “người đạp người” như sau: “Ba chiếc bánh cao su lắp vào một gióng bằng sắt, hai bánh để trước, một bánh để sau. Giữa hai bánh trước, đặt một cái giỏ mây vào… Sau lưng giỏ, dựng một cái cần cao su làm cọc chống đỡ lấy cái mui; vành sau giỏ lắp một cái tay xe cho người ngồi đạp đằng sau cầm lái. Đấy, phác qua, chỉ có bấy nhiêu cái. Bấy nhiêu cái kéo đặt cho tiện mưa tiện nắng, nhà đóng xe đã có thể chế ra được một thứ xe người đạp người…”

Có lẽ Tam Lang đã nghĩ ra chiếc xích lô này dựa trên hình dáng chiếc xe “người kéo người” rất phổ biến ở Việt Nam khi đó, kết hợp với chiếc xe đạp có “pê đan” đã xuất hiện ở Viễn Đông.

Sau này, một phóng viên người Pháp cho biết: Tôi đã đến thăm nhiều quốc gia, nhưng chưa thấy xứ nào có loại xe ngộ nghĩnh, đặc sắc như thế như ở Việt Nam! Ngày cũng như đêm, có thể đón xích lô bất kỳ nơi nào và có thể đến tận hang cùng ngõ hẻm tùy thích. Tốc độ xích lô vừa đủ để du khách ung dung ngoạn cảnh. Hay nhất là xích lô không ầm ĩ, không gây ô nhiễm môi trường. Tôi cho rằng đây chính là phương tiện giao thông “xanh” số 1.

Trải qua thời gian, chiếc xe kéo cải tiến có tên “xích lô” lại được cải tiến liên tục để đạt được tính năng và kiểu dáng như sau này chúng ta đã từng thường thấy khắp nơi trên lãnh thổ nước Việt.

Xe xích lô không hoàn toàn giống nhau ở các nơi. Ở các tỉnh thành phía Bắc, xích lô thấp, rộng, chắc chắn, có khả năng chuyên chở hàng hóa nặng và cồng kềnh, nom hao hao xe ba gác. Càng vào Nam, xích lô càng nhỏng lên, trông thanh hơn, nhưng trọng tải kém (chủ yếu do bộ nhíp mỏng manh) và dễ… lật.

Đặc biệt, cũng chính tại Sài Gòn, chiếc xích lô đạp đã có một “biến tấu” khá độc đáo: cải tiến bộ khung, vỏ bánh và lắp ráp thêm động cơ phân khối lớn để thành xích lô máy.

Chiếc xích lô máy đầu tiên xuất hiện ở Sài Gòn năm 1940, được chế lại từ chiếc xe 3 bánh chở hàng mang tên Triporteur Peugeot, sản xuất ở Pháp. Đó là thời điểm sau năm 1946, khi Pháp quay lại Đông Dương sau đệ nhị thế chiến, nhu cầu vận tải hàng hóa rất cao nên nhập cảng nhiều phương tiện vận tải.

Poster quảng cáo Triporteur Peugeot

Ban đầu, chiếc xích lô máy này để chở hàng, sau đó nó nó được chế lại để chở người, với cấu trúc giống như xe xích lô đạp có động cơ.

Theo bài viết của nhà báo Phăng Xi Păng, vào năm 1994, riêng địa bàn Sài Gòn, theo thống kê chưa đầy đủ của Phòng Vận tải thuộc Sở Giao Thông công chánh thì toàn thành có khoảng 54.000 chiếc. Trong số này, có chừng 20.000 xích lô “lậu”. Lậu ở đây nghĩa là không đủ giấy tờ hợp lệ, không được Nhà nước cho phép hành nghề.

Trước đó, vào năm 1982, UBND Thành phố ban hành quyết định ngưng đóng mới xích lô, trước tình hình xe thô sơ gia tăng quá nhanh. Lúc này đạp xích lô là một trong những phương tiên kiếm sống chính của công chức, lính chế độ cũ. Tuy nhiên lệnh cấm này chỉ được thực thi ở các quận nội thành, còn một số nơi như Bình Chánh, Nhà Bè… vẫn cho đóng xe mới, vì tình trạng khó khăn của những người xin hành nghề. Dù được đóng mới xích lô, nhưng Sở Giao thông vẫn không cấp giấy phép cho các xích lô mới này, nên mới có tình trạng năm 1994, gần 1 nửa xích lô ở Sài Gòn không có giấy phép.

Xe xích lô lưu hành hợp pháp nghĩa là người hành nghề xích lô phải có chứng minh nhân dân, giấy phép hành nghề vận tải và giấy chứng nhận chủ quyền xe.

Khi cần, cảnh sát giao thông và thanh tra công chánh có thể kiểm tra các loại giấy chứng nhận sức khỏe, biên lai thu phí giao thông (48.000 đồng/năm/xích lô, năm 1994).

Còn xích lô lậu lại chia thành 2 loại, loại “lậu một nửa” là trường hợp mua xích lô từ các tỉnh, xin chuyển vùng về thành phố hành nghề nhưng cũng không được Sở cấp giấy.

Còn trường hợp khác là xích lô “lậu 100%”, có thể đó là xe đóng mới, không đăng ký hành nghề được, chủ nhân cứ lắp số giả mà chạy. Thường đó là “phiên bản” của một xe hợp lệ. Nghĩa là chủ nhân mượn hoặc sao giấy tờ, biển số của một đồng nghiệp, đề phòng khi bị kiểm soát đột xuất. Dân trong nghề gọi đây là “xích con”.

Giá xe xích lô vào năm 1994 có nhiều loại, tùy cũ, mới, từ khoảng 3 chỉ, 5 chỉ, có xe giá cả cây vàng (giá vàng lúc đó khoảng 4.5 triệu đồng/cây). Không phải ai cũng đủ khả năng sắm riêng một chiếc xích lô để hành nghề, thì họ phải thuê mướn. Muốn mướn một chiếc xích lô thì trước hết cần phải có người quen biết giới thiệu, rồi tùy mối quan hệ mà chủ nhân buộc thế chân ít nhiều. Giá thuê mướn một xích lô ở Sài Gòn thời điểm năm 1994 là mỗi ngày đêm khoảng 5.000 đồng. Thu nhập bình quân mỗi ngày của tài xế xích lô lúc đó khoảng vài chục ngàn đồng, nếu đắt khách thì mỗi tháng thu nhập được khoảng 1.5 triệu đồng.

Cuối năm 1991, Việt Nam chính thức mở cửa đón khách du lịch nước ngoài, nghề xích lô trở nên khấm khá hơn vì khách Tây rất thích ngồi xích lô, phương tiện độc đáo gần như chỉ có ở Việt Nam. Các bác tài xích lô thường đậu xe trước những khách sạn lớn như Continental, Caravelle hay Majestic, hoặc dọc theo các phố Tây như Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Phạm Ngũ Lão… Những bác tài xích lô lúc đó có nhiều trí thức bị sa cơ lỡ vận, giỏi tiếng Anh tiếng Pháp nên nói chuyện được với khách. Còn những lao động bình dân, nếu không nói được ngoại ngữ thì chỉ cần nghe loáng thoáng nơi khách muốn tới là ra giá bằng ngôn ngữ cơ thể.

Tháng 12 năm 1991, trung tâm ngoại ngữ Voter mở các lớp English for drivers (Anh văn cho tài xế), học viên hầu hết là dân đạp xích lô.

Nói về chở khách Tây thuở ấy, sau đây là lời tường thuật của nhà báo Phăng Xi Păng:

Nói về chở khách Tây, có lẽ phải nhắc đến một “chuyên gia hàng đầu” mang biệt danh Tử Tước. Đó là một thanh niên cao to, điển trai, trang phục luôn lịch sự. Nếu Tử Tước rời yên xe xích lô, cam đoan nhiều người sẽ ngỡ anh ta là một “nhà” gì đó.

Tử Tước thông thạo 3 ngoại ngữ: Pháp, Anh, Hoa. Ngoài ra, kiến thức bách khoa của anh khá quảng bác. Tôi rất ngạc nhiên khi cùng anh đàm luận về văn nghệ, triết học, lịch sử, tôn giáo, khoa học kỹ thuật,… Đặc biệt, Tử Tước rất am tường địa chí Sài Gòn, dù anh sinh ra ở Quảng Trị và lớn lên ở Đà Nẵng. Quả thật, Tử Tước làm hướng dẫn viên du lịch thì miễn chê. Với nhiều chi tiết, giai thoại kỳ thú, anh giới thiệu cặn kẽ do đâu Lăng Ông Bà Chiểu được xây dựng, Thảo Cầm Viên hình thành ra sao, Chợ Lớn bây giờ khách xưa thế nào,…

– Do tôi ham học, ham đọc. Thế thôi!

Tử Tước nói và lật nắp thùng xích lô cho thấy cả lố sách báo in bằng nhiều thứ tiếng. Sau hỏi ra, mới biết: anh từng học Đại học Bách Khoa, từng trải qua nhiều nghề mưu sinh, rốt cùng cơ duyên run rủi thế nào lại chọn “xô – xích – ler”. Tử Tước nói:

– Túc tắc xích lô, tôi cảm thấy tự do, thoải mái. Thu nhập cũng chả đến nỗi nào….

– Thu nhập của anh ra sao?

– Mỗi ngày, tôi kiếm cỡ chục đô là thường. Ấy là chưa kể khoản đổi giúp ngoại tệ hoặc mua hộ hàng mỹ thuật, mỹ nghệ chỉ ăn hoa hồng cũng dư “ngân” xài. Một số khách có cảm tình, kết bạn với mình, họ về nước, thỉnh thoảng lại gửi cho ít quà cáp nữa…

– Ồ! Vậy mỗi tháng anh thu nhập cả dăm bảy triệu đồng! Bí quyết nào hay vậy?

Tử Tước cười hóm hỉnh:

– Bí quyết thì… bất khả tiết lộ! Anh thấy đó, tôi đâu có chạy lang thang hoặc đậu xe trước các khách sạn, nhà hàng lớn. Mà đậu ở những điểm ấy không dễ, rừng nào cọp nấy cả! Tôi có “chiêu thức” riêng!

– Sao anh không tích lũy vốn, nhảy sang nghề khác?

– Cũng có lúc tôi định thuê mặt bằng, mở cái bar nho nhỏ, bán rượu bia cho khách Tây, kiểu như Apocalypse Now hoặc Good Morning ấy. Tính đi suy lại, tôi thấy mình nên thong dong với chiếc xích lô, được chữ “nhàn”, thú hơn. Đã không máu kinh doanh mà nhảy ra mua bán là dễ kinh hồn bạt vía lắm!

– Vậy anh máu gì?

Chúng tôi lại thêm một phen ngạc nhiên khi nghe Tử Tức đáp:

– Thơ!

Tử Tức mở cốp xích lô, lấy ra một chai Napoléon X.O mời tôi cùng nhấp môi để nghe anh ngâm một bài thơ trường thiên độc vận của chính anh. Bài thơ có nhan đề Xích Lô Hành, nghe phảng phất hào khí Cao Bá Quát. Đây là một đoạn:

Người xích lô, hề, ta xích lô!
Phong lưu tài tử quá ô tô
Bốn bồ chữ bự trong thiên hạ
Một xích lô ta tải ba bồ…

Biên tập từ bài viết Xích Lô Du Ký của Phăng Xi Păng

2 bình luận về “Nhớ về chiếc xích-lô Sài Gòn của một thời”

Viết một bình luận