Quá trình thành lập Viện Đại học Vạn Hạnh – Viện đại học tư thục Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam

Trước tiên, để nói về Viện Đại học Vạn Hạnh, xin nói sơ qua về cách dùng từ ngữ “Viện đại học” được sử dụng phổ biến trước năm 1975, mà đầu tiên phải kể tới là Viện đại học Đông Dương (thành lập hơn 100 năm trước).

Viện Đại học khác với Trường Đại học.

Viện đại học là cơ sở giáo dục đại học đa cấp, đa ngành, đa lĩnh vực, và thường có quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao trong hệ thống giáo dục (khác với Đại học có quy mô nhỏ hơn). Viện đại học xuất phát từ danh từ University, nhưng có nguồn gốc từ tiếng Latinh: Universitas; có nghĩa là cộng đồng của giáo viên và các học giả, là nơi đảm nhiệm hai việc: dạy và học, cũng là nơi cung cấp các chương trình bậc đại học và sau đại học.

Ở Việt Nam, trước năm 1975 có nhiều Viện đại học theo mô hình như thế này, ví dụ như Viện đại học Đông Dương (thành lập vào năm 1907), Viện đại học Sài Gòn, Viện đại học Đà Lạt, Viện đại học Huế (cùng thành lập năm 1957), và Viện đại học Vạn Hạnh (thành lập năm 1964)…

Các Viện đại học này là cơ sở giáo dục đại học đa cấp, đa ngành và đa lĩnh vực, là những cơ sở giáo dục bậc cao tiếp theo bậc trung học dành cho những học sinh có khả năng và nguyện vọng học tập tiếp lên trên. Viện đại học ở Việt Nam trong giai đoạn này cung cấp cho sinh viên học vấn cao và cấp các bằng cấp khoa học trong nhiều lĩnh vực ngành nghề.

Ngày nay, hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam đổi tên gọi thành Đại học (tương đương với Viện đại học ngày xưa) để phân biệt với Trường đại học.

Theo lời của Hòa thượng Thích Thiện Tâm, Phật giáo Việt Nam bắt đấu chấn hưng từ những năm 1920. Trong những thập niên sau đó, 1930, 1940…, lúc đó chưa một vị tu sĩ hay tín đồ Phật giáo Việt Nam nào hình dung Phật giáo Việt Nam sẽ mở một viện đại học đa ngành. Những vị tôn túc và cư sĩ tiên khởi Chấn hưng Phật giáo Việt Nam chỉ mới nói tới mục tiêu giáo dục cao đẳng Phật học cho tu sĩ Phật giáo, còn giáo dục hướng ra xã hội thì chỉ nghĩ đến những trường sơ học. Ý tưởng thành lập viện đại học đa ngành Phật giáo hình thành ngay trong những vị tôn túc lãnh đạo Phật giáo Việt Nam vào cuối những năm 1950, mặc dù hệ thống giáo dục trung học và tiểu học Phật giáo còn rất sơ khai.

Trước năm 1964, Sài Gòn có trường cao đẳng Phật học với tên Phật học Đường Nam Việt thuộc chùa Ấn Quang.

Sự ra đời của Viện đại học Vạn Hạnh

Sau cuộc chính biến 1963 và sự ra đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, chủ trương đào tạo nhân sự và đưa Phật giáo vào cuộc sống thường nhật được Giáo hội xúc tiến qua việc xây dựng một cơ sở giáo dục bậc đại học. Với nỗ lực đó, Viện Đại học Vạn Hạnh được Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất thành lập với hai mục tiêu: xây dựng nhà giáo dục… làm sống dậy lòng tin cho tuổi trẻ… với châm ngôn Duy Tuệ Thị Nghiệp, tức là mọi hoạt động của cơ sở giáo dục này cốt để phát triển trí tuệ.

Viện Đại học Vạn Hạnh nguyên thủy đặt cơ sở ở chùa Xá Lợi và chùa Pháp Hội nhưng đến năm 1966 thì chuyển sang địa điểm xây mới cất ở số 222 đường Trương Minh Giảng (sau năm 1975 có tên là đường Lê Văn Sĩ), Quận 3, Sài Gòn. Cơ sở ở đường Lê Văn Sĩ, gần cầu Lê Văn Sĩ, ngày nay là 1 cơ sở của trường Đại học Sư Phạm.

Viện đại học Vạn Hạnh xưa, nay là cơ sở trường Đại học Sư Phạm

Vạn Hạnh là tên của một vị Thiền sư Việt Nam, là Quốc sư, thầy của vua Lý Công Uẩn thời nhà Lý (1009 – 1225). Viện đại Học này lấy tên Thiền sư Vạn Hạnh để đặt tên cho cơ sở giáo dục đại học của mình, được Bộ Giáo dục VNCH cấp giấy phép vào ngày 17 tháng 10 năm 1964 do Hòa thượng Thích Minh Châu làm viện trưởng.

Bên cạnh HT. Thích Minh Châu còn có những vị khác tham gia thành lập Viện đại học Vạn Hạnh như Thiền sư Thích Nhất Hạnh, và các ông Hồ Hữu Tường – Phó Viện trưởng, Đoàn Viết Hoạt – phụ tá Viện trưởng, là những người đã từng tham gia làm việc tại Viện đại học Vạn Hạnh.

Niên khóa đầu tiên của thiền viện khai giảng vào năm 1964-1965, Hòa thượng Thích Minh Châu đã ký quyết định tuyển sinh và đào tạo hai phân khoa đại học gồm: Phân khoa Phật học và phân khoa Văn học & Nhân văn. Đến năm 1967-1973 thì Viện mở thêm phân khoa Khoa học xã hội, phân khoa Giáo dục, phân khoa Khoa học ứng dụng và một Trung tâm ngôn ngữ gồm bốn ban: Ban Anh ngữ, Ban Pháp ngữ, Ban Đức ngữ và Ban Nhật ngữ.

Từ năm 1964 đến năm 1973 Viện đại học Vạn Hạnh đã có 5 phân khoa đào tạo, cấp bằng cấp trong lĩnh vực Khoa học xã hội cho đến Khoa học ứng dụng. Số lượng sinh viên từ 696 sinh viên năm 1964-1965 đến 1973 đã lên đến 3.661 sinh viên. Thư viện Viện đại học Vạn Hạnh cũng là một trong những thư viện lớn, có giá trị cao ở Việt Nam. Viện còn cho thành lập các câu lạc bộ trực thuộc viện như: Câu lạc bộ thiền tập, võ thuật, âm nhạc, thi ca, thư quán Vạn Hạnh,… để sinh viên có cơ hội học hỏi, giao lưu, phát triển thể chất lẫn tinh thần.

Khảo sát các phân khoa điển hình thì nhận thấy Viện đại học Vạn Hạnh đã cung cấp cho sinh viên học vấn cao ở cấp bậc đại học, rất đa dạng về loại hình, phong phú về nội dung đào tạo. Phân khoa Văn học và Khoa học nhân văn gồm có 7 Ban như: Ban Văn học Việt Nam, Ban Đông phương, Ban Triết học, Ban Tâm lý học và thực nghiệm, Ban Sử Địa, Ban Văn học Anh Mỹ và Ban Báo chí học. Phân khoa Khoa học xã hội, gồm có 5 Ban: Ban Xã hội học, Ban Chánh trị học, Ban Kinh tế học, Ban Thương mại học và Ban Nhân chủng học.

Về lĩnh vực xuất bản văn hóa phẩm, Viện đại học Vạn Hạnh cho thành lập Ban Tu thư để xuất bản sách, ấn phẩm tài liệu giảng dạy và nghiên cứu… Đặc biệt, Viện còn cho xuất bản Tạp chí nghiên cứu Tư tưởng do Thượng tọa Thích Nguyên Chứng (Tuệ Sỹ) làm chủ bút, ngày nay vẫn còn lưu trữ ở Thư viện Học viện Phật giáo Việt Nam tại Sài Gòn.

Như vậy, Viện đại học Vạn Hạnh đã xây dựng và phát triển đúng chuẩn của một “University” trong hệ thống giáo dục học. Tức là, Viện đại học Vạn Hạnh đã đáp ứng được mô hình của giáo dục đại học đa cấp, đa ngành, đa lĩnh vực, và có quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao trong hệ thống giáo dục, được phép cấp bằng trong lĩnh vực mà Viện đào tạo.

Viện đại học Vạn Hạnh còn làm kim chỉ nam định hướng xây dựng – phát triển cho các cơ sở giáo dục Phật giáo Việt Nam hiện nay như: Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Sài Gòn, Huế và Cần Thơ. Ngoài ra còn có các cơ sở và hệ thống giáo dục Cao đẳng Phật học, các trường Trung cấp và các loại hình giáo dục cư sĩ của Phật giáo Việt Nam hiện nay.

Viện đại học Vạn Hạnh đã chú trọng đến việc thiết lập cơ sở vững chắc cho loại hình giáo dục bậc đại học khả thi và bền vững như sau:

Giáo dục Phật giáo Việt Nam là giáo dục trí tuệ

Đúng với phương châm “Duy Tuệ Thị Nghiệp”, mọi hoạt động của cơ sở giáo dục Phật giáo đều nhằm mục tiêu cốt yếu là để phát triển trí tuệ. Giáo dục Phật giáo Việt Nam đã xuất phát từ phương pháp giáo dục Từ bi – Trí tuệ và nhân bản của Đức Phật, thừa kế một cách tinh tế và phát triển một cách thuần túy tinh hoa phương pháp giáo dục Giới – Định – Tuệ. Điển hình tại phân khoa Phật học, sinh viên sẽ được nhận thức rõ trí tuệ là kết quả đạt được của đời sống đạo đức – giữ giới luật, nội tâm được chuyển hóa – thành tựu định, là cơ sở cho tuệ phát sinh. Trí tuệ là kim chỉ nam nhập thế của người xuất gia.

Giáo dục Phật giáo Việt Nam là giáo dục nhân bản, là giáo dục dân tộc

Triết lý nhân bản, tức là triết lý chủ trương lấy con người làm căn bản, đối tượng và mục tiêu để hoàn thành sự nghiệp giáo dục. Thừa kế tinh thần và triết lý nhân bản của Đức Phật, giáo dục Phật giáo đề cập và khẳng định con người có địa vị quan trọng trong thế gian này; lấy con người làm gốc, lấy cuộc sống của con người trong cuộc đời này làm căn bản; xem con người như một cứu cánh chứ không phải như một phương tiện hay công cụ phục vụ cho mục tiêu của bất cứ cá nhân, đảng phái hay tổ chức nào khác.

Từ triết lý ấy, ta chấp nhận có sự khác biệt giữa các cá nhân, nhưng không chấp nhận việc sử dụng sự khác biệt đó để đánh giá con người, và không chấp nhận sự kỳ thị hay phân biệt giàu nghèo, địa phương, tôn giáo, chủng tộc… Mọi người có giá trị như nhau và đều có quyền được hưởng những cơ hội đồng đều về giáo dục. Điều này giải thích vì sao giáo dục Phật giáo đã tích cực tham gia vào việc định hướng và phát triển giáo dục của đất nước, bảo tồn và phát triển tính độc lập trong giáo dục, góp phần định hướng và phát triển tính truyền thống nhân văn, nhân bản của dân tộc. Đó chính là mục tiêu của Viện đại học Vạn Hạnh, được thể hiện rõ trong các phân khoa đào tạo các lĩnh vực khoa học xã hội, dân tộc, khoa học tự nhiên,… góp phần phát triển tinh thần dân chủ, tinh thần khoa học trong học tập và nghiên cứucủa sinh viên khi ra trường.

Theo nhận định của Hòa thượng Viện trưởng Thích Minh Châu, Viện đại học Vạn Hạnh được thành lập với hai mục tiêu là “xây dựng nhà giáo dục, làm sống dậy lòng tin cho tuổi trẻ… với châm ngôn Duy Tuệ Thị Nghiệp”, tức là mọi hoạt động của Viện đại học Vạn Hạnh cốt yếu là để phát triển kiến thức, trí tuệ cho sinh viên. Là nơi cung cấp nghề nghiệp cao cấp (bậc đại học) cho các sinh viên khi ra trường phục vụ cho sự phát triển của xã hội.

Viện đại học Vạn Hạnh và thầy Tuệ Sỹ

Viện đại học Vạn Hạnh gắn liền với một giai đoạn của thiền sư Thích Nhất Hạnh trước 1975, là thành viên sáng tập trường. Ngoài ra, một tu sĩ trẻ lúc đó là Tuệ Sỹ sau khi tốt nghiệp Viện Cao Ðẳng Phật Học Sài Gòn năm 1964, cũng đã theo học tại Viện Ðại Học Vạn Hạnh, Phân khoa Phật học niên khóa 1965 (khóa thứ 2)

Trước đó, khi mới ở tuổi ngoài 20, thầy Tuệ Sỹ đã có nhiều bài viết về Thế Thân (Vasubandhu), về A-tỳ-đạt-ma câu-xá luận, Hòa thượng Thích Đức Nhuận là người đầu tiên phát hiện tài năng của người tu sĩ trẻ này nên đã giới thiệu vào học ở Viện Đại học Vạn Hạnh. Hòa thượng Thích Mãn Giác – lúc đó là phó Viện trưởng đã đề nghị Viện trao bằng Cử nhân cho Thầy Tuệ Sỹ ngay, nhưng Thầy đã từ chối.

Thầy Tuệ Sỹ được đặc cách bổ nhiệm Giáo sư thực thụ Viện Ðại Học Vạn Hạnh từ năm 1970 nhờ những công trình nghiên cứu Phật học và những khảo luận Triết học có giá trị cao như Ðại Cương Về Thiền Quán, do Đại lão Hòa thượng Thích Đôn Hậu giới thiệu, Liên Hoa ấn quán in 1967, Triết Học về Tánh Không (An Tiêm xuất bản, Saigon 1970)… Sau đó Thầy Tuệ Sỹ kiêm Xử lý Khoa trưởng Phân khoa Phật học tại Đại học này (niên khóa 1972-1973). Thầy Tuệ Sỹ tinh thông chữ Hán, biết nhiều ngoại ngữ như Anh, Pháp, Lào, Thái, Nhật, Tây Tạng, thông thạo hai cổ ngữ Pali và Sanskrit. Thầy cũng đọc hiểu tiếng Ðức, nghiên cứu kỹ về Heidegger và Hoelderlin. Cuốn Thiền Luận nổi tiếng của D.T. Suzuki bản Việt ngữ tập 2 và 3 là do Thầy dịch, in và tái bản nhiều lần từ 1972 đến 1975.

Sau 1975, Viện Đại học Vạn Hạnh bị giải thể, một vài khoa được tổ chức lại thành Thiền viện Vạn Hạnh, các khoa còn lại chuyển giao cho Trường Đại học Sư phạm. Thiền viện Vạn Hạnh và Thiền viện Quảng Đức hiện nay là hai cơ sở giáo dục của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại miền Nam.

Nguồn: thuvienhoasen.org, wikipedia

Viết một bình luận