Tổng quan về chương trình học môn lịch sử ở bậc Tiểu học – trung học ở miền Nam xưa

Lịch sử là môn học quan trọng trong bậc học phổ thông, bởi vì cho dù là ai, làm bất kỳ ngành nghề nào thì cũng cần biết lịch sử nước nhà để trân trọng quá khứ và hướng tới tương lai.

Bài viết này xin giới thiệu nội dung chương trình lịch sử ở các cấp học được giảng dạy ở miền Nam trước 1975.

Môn quốc sử trong chương trình tiểu học

Bộ Quốc sử bậc tiểu học ở miền Nam được soạn thảo theo lời chỉ dẫn của Bộ Văn hóa Giáo dục, dành cho học sinh từ lớp Tư đến lớp Nhất. Quốc sử lớp Tư, lớp Ba và lớp Nhì in năm 1965, Quốc sử lớp Nhất in năm 1968, cùng do Bộ Văn hoá Giáo dục xuất bản.

Quốc sử lớp Tư là quyển sách khai tâm về môn Quốc sử cho trẻ em học sinh Việt Nam ở lớp Tư bậc Tiểu học. Soạn giả chọn lọc kỹ càng, sắp xếp minh bạch, trình bày một cách linh động và hấp dẫn “những truyện sử, vừa làm cho trẻ em vui thích, vừa làm cho chúng cảm động”.

Quốc sử lớp Ba cũng được biên soạn theo quan niệm như lớp Tư. Về hình thức, để cho trẻ em xem và thích đọc, các bài học được minh họa bằng tranh ảnh tô màu. Những di tích lịch sử, lăng miếu, bia mộ… được xác họa ngay tại chỗ. Về nội dung, để cho trẻ em hiểu rõ và nhớ lâu, ngoài bài giảng giản dị và toát yếu rõ ràng, đại ý của mỗi bài học hoặc là một võ công lừng lẫy, hoặc là một gương mẫu muôn thuở, hoặc là công nghiệp lớn lao của những bậc anh hùng, chí sĩ, đều được linh động nêu lên ở đầu bài bằng một tiêu đề hàm súc, và đúc kết ở cuối bài, bằng một câu thơ lục bát. Nhiều bài đọc và một số sử liệu được chọn lọc để giúp cho trẻ em thêm phần hiểu biết về các danh nhân và sự kiện lịch sử.

Quốc sử lớp Nhì và lớp Nhất:

– Những bài học ở lớp Nhì và lớp Nhất không còn là những truyện sử về các bậc danh nhân nước nhà như ở lớp Ba và lớp Tư nữa, mà chính là những bài Quốc sử dạy theo thời đại và niên ký.

– Mỗi bài học chỉ chú trọng vào những việc lớn, không đặt nặng về tiểu tiết, nhưng cũng không đến nỗi quá khô khan.

– Cũng như ở lớp Ba và lớp Tư, mỗi bài học được minh họa bằng những hình ảnh tô màu để học sinh vui xem thích đọc.

– Bài học nào cũng kèm theo một số câu hỏi sắp xếp sẵn để tiện dẫn dắt học sinh bình phẩm một nhân vật, một triều đại, một biến cố, giúp cho học sinh biết phán đoán, thấy rõ đâu là lợi, đâu là hại cho nước, cho dân.

– Sau mỗi bài học, một bài đọc chọn lọc, hoặc là một tài liệu lịch sử, hoặc là một vài lời giảng luận, làm sống lại đoạn sử trong bài, khiến cho học sinh vui vẻ hay bùi ngùi, ngợi khen hay căm tức.

– Cốt yếu bài Quốc sử là làm nảy nở nơi học sinh, một cách tự nhiên và thành thật, một tinh thần quốc gia chân chánh.

Nội dung chương trình

Lớp 1 (lớp năm): Không có môn Sử

Sách Quốc Sử lớp 2 (lớp tư)

Lớp 2 (lớp tư):
– Thăm các nơi có di tích lịch sử trong vùng

– Kể các chuyện cổ tích, các bậc danh nhân trong vùng

– Kể các chuyện danh nhân trong lịch sử:

  1. Cậu bé đuổi giặc Ân (Phù Đổng Thiên Vương)
  2.  Tổ quốc trên hết (Lữ Gia)
  3. Giải phóng đất nước (Hai Bà Trưng)
  4. Đầu voi phất ngọn cờ vàng (Bà Triệu)
  5. Vua Đồng lầy (Triệu Quang Phục)
  6. Ngọn sóng Bạch Đằng (Ngô Quyền)
  7. Cờ lau tập trận (Đinh Tiên Hoàng)
  8. Mở khoa thi đầu tiên (Lý Nhân Tông)
  9. Phạt Tống, bình Chiêm (Lý Thường Kiệt)
  10. Không tham vàng bỏ nghĩa (Tô Hiến Thành)

Lớp 3 (lớp ba):

– Thăm các nơi có dấu tích lịch sử trong vùng, xem tranh ảnh, tư liệu lịch sử

– Kể chuyện các bậc danh nhân, các bậc anh hùng:

  1. Lòng quyết chien (Hội nghị Diên Hồng)
  2. Vì nước quên thù nhà (Trần Hưng Đạo)
  3. Trận Bạch Đằng (Trần Hưng Đạo)
  4. Ngồi đan sọt mà lo việc nước (Phạm Ngũ Lão)
  5. Anh hùng tí hon (Trần Quốc Toản)
  6. Thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vua đất Bắc (Trần Bình Trọng)
  7. Ông Trạng thanh liêm (Mạc Đỉnh Chi)
  8. Dâng sớ trảm 7 nịnh thần (Chu Văn An)
  9. Ngâm thơ nuốt hận (Đặng Dung)
  10. Mười năm chống quân Minh (Lê Lợi)
  11. Hy sinh vì đại nghĩa (Lê Lai)
  12. Trả thù cha, rửa hận nước (Nguyễn Trãi)
  13. Khởi thảo địa lý và sử ký nước nhà (Lê Thánh Tôn)
  14. Công cuộc mở rộng miền Nam (Chúa Nguyễn)
  15. Công cuộc cai trị xứ Bắc (Chúa Trịnh)
  16. Trận Đống Đa (Quang Trung)
  17. Gương trung nghĩa (Võ Tánh và Ngô Tùng Châu)
  18. Doanh điền sứ (Nguyễn Công Trứ)
  19. Một nhà nho sáng suốt (Nguyễn Trường Tộ)
  20. Chết để cứu dân (Phan Thanh Giản)
  21. Nhịn đói chịu đau mà chết (Nguyễn Tri Phương)
  22. Thà chết chứ không bỏ thành (Hoàng Diệu)
  23. Cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng
  24. Phong trào cách mạng từ Nam chí Bắc (Trương Công Định, Đinh Công Tráng, Hoàng Hoa Thám)
  25. Một học giả uyên thâm (Trương Vĩnh Ký).

Lớp 4 (lớp nhì):

Nguồn gốc nước Việt Nam, cách sinh hoạt về đời thượng cổ: nghề làm ruộng (nông khí bằng đá, nước thủy triều, nghề đánh ca, tục vẽ mình).

Thời đại Bắc thuộc: Các thái thú, các cuộc khởi nghĩa. Ảnh hưởng về văn hóa, chính trị của thời Bắc thuộc.

Thời đại độc lập:

  1. Nhà Ngô
  2. Nhà Đinh
  3. Nhà Tiền Lê
  4. Nhà Lý: Nội trị, phạt Tống, bình Chiêm
  5. Nhà Trần: Hội nghị Diên Hồng. Đuổi giặc Mông Cổ. Hai lần đại thắng quân Nguyên. Tổ chức nội trị, xây dựng nền văn hóa. Văn chương quốc ngữ của ông Hàn Thuyền.
  6. Nhà Hồ: Chính trị, văn hóa, giao thiệp với Tàu và Chiêm Thành
  7. Nhà Hậu Trần: Chính sách đô hộn của nhà Minh
  8. Mười năm chống quân Minh: Lê Lợi
  9. Nhà Hậu Lê: việc nội trị, việc võ bị, văn hóa và chính trị của Lê Thánh Tôn. Cớ sao nhà Lê mất ngôi.

Thời đại Nam Bắc phân tranh

  1. Nhà Mạc: Chính trị
  2. Họ Nguyễn giúp nhà Lê
  3. Trịnh – Nguyễn phân tranh. Người Âu châu sang Việt Nam
  4. Tây Sơn khởi nghĩa
  5. Họ Trịnh mất nghiệp chúa

Lớp 5 (lớp nhất):

  1. Nhà Tây Sơn: Vua Quang Trung đại phá quân Thanh. Chính trị, văn học. Ông Nguyễn Thiếp và việc dịch sách chữ Nôm. Nguyễn Vương lấy Gia Định, lấy Qui Nhơn, lấy Phú Xuân, đánh Bắc Hà.
  2. Nhà Nguyễn đời Gia Long: nội trị, văn học, ngoại giao.
  3. Đời Minh Mạng: dẹp loạn, giao thiệp với nước ngoài.
  4. Đời Thiệu Trị: việc giao thiệp với Chân Lạp. Việc cấm đạo.
  5. Đời Tự Đức: tình thế trong nước, Nguyễn Trường Tộ. Nước Pháp lấy Nam Kỳ, Phan Thanh Giản đi sứ. Nước Pháp lấy Bắc Kỳ lần thứ nhất (1874). Nguyễn Tri Phương. Nước Pháp lấy Bắc Kỳ lần thứ hai. Hoàng Diệu.
  6. Cuộc đô hộ của người Pháp: Hòa ước 1884. Chính sách cai trị của người Pháp ở Việt Nam.
  7. Đời Hàm Nghi: cuộc kháng chiến: Phan Đình Phùng và đảng Văn Thân. Các cuộc khởi nghĩa ở Nam, Trung, Bắc (Trương Công Định, Đinh Công Tráng, Yên Bái).
  8. Cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945.

Lời chỉ dẫn: Dạy quốc sử là cốt để gây ý thức dân tộc cho học sinh. Cần cho trẻ em biết:

– Sự tích nước Việt Nam và tinh thần yêu nước, tranh đấu của toàn dân.
– Yêu Tổ quốc một cách sáng suốt
– Làm phận sự công dân với Tổ quốc
– Làm nảy nở tinh thần quốc gia một cách tự nhiên và thành thật.
– Soi gương sáng của tiền nhân để rèn đức tốt có tính cách quốc gia và nhân đạo.

Trẻ em Việt Nam cần biết:
– Nguồn gốc nước Việt Nam.
– Tinh thần bất khuất của dân tộc qua các thời đại.
– Các vị anh hùng đã gây dựng và bảo vệ giang sơn Tổ quốc, các bậc tiền nhân đã tô bồi nền văn hóa quốc gia.
– Học Quốc sử, trẻ em Việt Nam cần phải noi đức can đảm, chí hy sinh, nghĩa hợp quần, gương yêu nước của các đấng danh nhân, để cố gắng tiến thủ hầu vun đắp sự nghiệp to tát của người xưa để lại.

Ngoài ra, trong khi học tập, bình phẩm hành vi và sự nghiệp của các nhân vật lịch sử, trí phán đoán của trẻ em được nảy nở. và cũng do đó, trẻ em sẽ hấp thụ được nhiều đức tính về nghị lực và công tâm, đồng thời hiểu được đâu là tinh thần quốc gia chân chính.

Điều cốt nhứt của bài Sử học là lời giảng phải cảm động và hùng hồn, làm cho sống lại cả một quãng đời, làm cho bật rõ một bức tranh, trông thấy một thời đại, khiến trẻ em phải vui bẻ và bùi ngùi, ngợi khen và căm tức. Được như thế, bài Sử mới được bổ ích.

Ở lớp 1 chưa có giờ học sử. Ở lớp 2 và lớp 3, trẻ em còn non nớt, chưa có thể học Sử theo các thời đại và niên kỷ. Bài Sử ký chỉ là những truyện sử, những buổi đi thăm di tích, vừa làm cho trẻ em vui thích vừa làm cho chúng cảm động. Chỉ từ lớp 4 trở lên, môn Sử học mới nên dạy theo thời đại và niên kỷ, song chỉ nên chú trọng đến việc lớn, không cần đến tiểu tiết. Cần làm cho học sinh nhận thức trạng thái toàn thể của dĩ vãng và hiện tại của cả một dân tộc, chớ không phải của một người, hay một việc, trong một thời gian.

Dù sao, phương pháp áp dụng từ lớp nhỏ đến lớp lớn vẫn cùng một trung tâm điểm, vẫn cùng một thứ tự thời gian, để trẻ con được nhận thức rõ rệt liên quan giữa những câu chuyện lẻ loi với lịch sử tổng quát của các thời đại. Như thế trẻ em sẽ không lạc lối, trái lại từ lớp dưới lên lớp trên, chúng sẽ được nhắc lại những điều đã học một cách rõ ràng và đầy đủ.

Môn quốc sử trong chương trình trung học

Môn lịch sử trong chương trình trung học ở miền Nam trước 1975 có 2 chương trình khác nhau. Chương trình thứ nhứt được ban hành ngày 12/8/1958, ấn định kể từ niên học 1958-1959, áp dụng cho toàn miền Nam. Chương trình thứ 2 được gọi là Môn lịch sử trong chương trình trung học tổng hợp, được Bộ Văn hóa, Giáo dục và Thanh niên ban hành năm 1973, được giảng dạy ở 12 trường trung học cụ thể, đó là Trường trung học kiểu mẫu Thủ Đức, trung học kiểu mẫu Huế, Trung học kiểu mẫu Cần Thơ, các trường trung học: Gia Hội (Huế), Trần Quốc Toản (Quảng Ngãi), Nguyễn Huệ (Tuy Hòa), Mạc Đỉnh Chi (Sài Gòn), Cộng đồng Quận 8 (Sài Gòn), Lý Thường Kiệt (Hóc Môn), Phan Thanh Giản (Cần Thơ), Nguyễn Trung Trực (Rạch Giá), Bến Tre (Kiến Hòa), Thoại Ngọc Hầu (Long Xuyên), Sương Nguyệt Anh, Nguyễn An Ninh (Sài Gòn), Chương Bình Lễ (Long Xuyên).

Huấn thị về cách giảng dạy môn Lịch sử:

Giáo viên cần loại bớt chi tiết, chú trọng đến những điểm đại cương. Tất cả tinh thần của giảng dạy môn Lịch sử sẽ tùy thuộc óc tổng hợp của giáo viên, nhưng không nên quên là tất cả các bài giảng trong năm có tính nhất quán và liên tục.

Ở Đệ Nhất cấp, phần “Thế giới sử” có rất ít giờ (chỉ có ở lớp 9) nên mỗi khi học đến một đoạn sử Việt Nam có liên quan đến ngoại quốc, giáo viên cần giảng qua lịch sử nước đó. Ví dụ ở lớp 6, khi nói qua kết quả thời Bắc thuộc thì nói qua lịch sử Trung Hoa.

Ở lớp 7 và lớp 8, khi nói đến Chiêm Thành, thì giáo viên không nên quên đề cập đến sử Ấn Độ (vài điểm đại cương).

Ở Đệ Nhị cấp, “Việt sử” và “Thế giới sử” được học lại một cách đầy đủ hơn. Việc giảng dạy nhằm mục đích giúp học sinh nhận thức thời mình đang sống. Giáo viên cần chọn lựa một vài vấn đề quan trọng còn có ảnh hưởng đến cuộc sống hiện nay để nghiên cứu sâu xa hơn.

Tóm lại, chương trình còn nhiều vấn đề phức tạp, nhưng giáo viên cần phải đào sâu những nét đại cương về sự tiến triển của dân tộc Việt Nam cũng như những dân tộc khác trên thế giới, đồng thời gạt bỏ những sự kiện lẻ loi, chi tiết không có ích gì, ngược lại có thể làm cho học sinh chán ghét môn sử.

Một điểm rất quan trọng mà giáo viên cần chú ý đến: cụ thể hóa bài giảng bằng tranh ảnh, phim ảnh, bản đồ, bài đọc thêm (nhấn mạnh những bài có liên quan đến chương trình Quốc văn hay chương trình môn khác đã và đang học trong năm) cùng các cuộc thăm viếng Vuệ  bảo tàng, di tích lịch sử.

Môn lịch sử trong chương trình trung học tổng hợp (dành riêng cho 12 trường):

Đối với đệ nhị cấp, môn Lịch sử và Địa lý được chép thành môn Sử – Địa, và thường do một giáo viên phụ trách (ở miền Nam trước năm 1975, trường Đại học Sư phạm đào tạo giáo viên ghép môn như Lý – Hoá, Sử – Địa, Văn – Hán tự…)

Tuy nhiên, khi học lại học riêng rẽ. Môn địa lý học ở lớp 6 và lớp 8, môn lịch sử học ở lớp 7 và lớp 9.

1. Môn Sử – Địa Đệ Nhất Cấp
a. Mục tiêu

* Kiến thức

  • Giúp học sinh hiểu biết mối tương quan giữa các nền văn minh trên thế giới cùng những ảnh hưởng đối với nền văn minh Việt Nam.
  • Giúp học sinh khái quát về những biến chuyển quan trọng trên thế giới liên quan đến lịch sử Việt Nam.
  • Giúp học sinh hiểu biết quá khứ dân tộc Việt Nam cùng những kinh nghiệm sống của tiền nhân trong công cuộc cứu quốc và kiến quốc.
  • Giúp học sinh hiểu biết mối tương quan giữa thiên nhiên và con người trên quả địa cầu.
  • Giúp học sinh nhận biết các vùng địa lý trên thế giới, môi trường sinh sống của người Việt Nam.
  • Giúp học sinh nhận biết những điều kiện thuận lợi, bất lợi trong việc phát triển quốc gia và những vẻ đẹp thiên nhiên của xứ sở.

* Thái độ

  • Giúp học sinh trang bị lý tưởng phụng sự quốc gia, theo gương các tiền nhân trong công cuộc cứu quốc và kiến quốc để góp phần vào việc xây dựng quốc gia Việt Nam cường thịnh, nhất là củng cố vai trò Việt Nam trong cộng đồng Đông Nam Á cũng như cộng đồng thế giới.
  • Giúp học sinh phát huy tinh thần đoàn kết, ý chí thống nhất quốc gia và tinh thần hợp tác quốc tế.

* Kỹ năng

  • Giúp học sinh phát triển khả năng quan sát, lựa chọn, phân tích và tổng hợp
  • Giúp học sinh phát triển khả năng suy luận và phán đoán, đặt và giải quyết vấn đề
  • Giúp học sinh phát triển khả năng sử dụng, đọc và diễn tả những tài liệu về kiến thức xã hội như bản đồ, địa cầu, biểu đồ, tranh ảnh, các dữ kiện,..
  • Giúp học sinh phát triển khả năng làm việc tập thể

b. Khuyến cáo về giảng dạy

* Phương pháp giảng dạy

Triệt để áp dụng phương pháp hoạt động, khuyến khích học sinh tích cực tham gia vào bài học, nên tránh lối truyền thụ kiến thức một cách thụ động. Cố gắng tạo lớp học luôn linh động bằng phương pháp hạch vấn và sử dụng tranh ảnh, biểu đồ, cùng các phương tiện thính thị, phim ảnh nếu có.

  • Tránh lối dạy nhồi sọ, đọc chép, học thuộc lòng
  • Triệt để tôn trọng tính cách khoa học của môn Sử học, tránh các tài liệu thiếu chính xác và các lập luận vô căn cứ.
  • Khuyến khích học sinh sưu tầm hình ảnh, tài liệu và thuyết trình (hình thức thuyết trình nhóm)
  • Nên hướng dẫn học du khảo các di tích lịch sử nếu hoàn cảnh cho phép

* Tài liệu giáo khoa

  • Giáo sư phải chọn cho học sinh mỗi lớp một cuốn giáo khoa làm căn bản. Nên chọn sách giáo khoa với tài liệu chính xác, cách hành văn dễ hiểu và có nhiều hình ảnh gây hứng thú cho học sinh.
  • Ngoài sách giáo khoa, giáo sư nên khuyến khích học sinh đọc sách, tạp chí và sử dụng thư viện nhất là ở lớp 8 và lớp 9.

* Phương thức đánh giá

  • Nên chú trọng kiểm điểm thành quả về mục tiêu thái độ qua hình thức thuyết trình, thảo luận, sưu tầm (sổ tay sưu tầm hình thức ảnh, tài liệu ở sách báo), các tường trình về quan sát tại chỗ.
  • Về mục tiêu hiểu biết và kỹ năng, nên kiểm điểm mọi loại kiến thức và kỹ năng

c. Nội dung chương trình

LỚP 7 – LỊCH SỬ VĂN MINH THẾ GIỚI (3 giờ/tuần)

Mục tiêu

  1. Giúp học sinh hiểu biết các nền văn minh cổ trên thế giới, những mối tương quan giữa các nền văn minh và những ảnh hưởng đến nền văn minh Việt Nam.
  2. Giúp học sinh hiểu biết những biến chuyển quan trọng tại Đông cũng như Tây phương đã ảnh hưởng đến chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội Việt Nam trong lịch sử.
  3. Giúp học sinh ý thức về mối liên lạc giữa các dân tộc trên thế giới, nhất là các dân tộc vùng Đông Nam Á có cùng ý thức những giá trị về cổ học
  4. Giúp học sinh phát huy khả năng suy luận, phán đoán, đặt và giải quyết vấn đề, phê phán một cách khách quan các sự kiện lịch sử, cũng biết sử dụng bản đồ và các dữ kiện.
  5. Giúp học sinh làm quen với những nhân danh, địa danh thời cổ Trung Hoa, Ấn Độ, Hi Lạp, La Mã để biết thưởng thức văn học nghệ thuật.

Nội dung

A. Đại cương
Sơ lược về định nghĩa, phương pháp, các thời đại lịch sử. Nguồn gốc loài người.

B. Các nền văn minh cổ thế giới đối với văn minh cổ Việt Nam.

1 – Văn minh cổ Trung Hoa
Những nét đặc biệt của nền văn minh cổ Trung Hoa

2 – Văn minh cổ Ấn Độ
Những nét đặc biệt của nền văn minh cổ Ấn Độ

3 – Ảnh hưởng của các nền văn minh cổ Hoa, Ấn đối với văn minh Việt Nam

C. Các nền văn minh cổ thế giới đối với văn minh Tây Phương (cận và hiện đại)

1. Các nền văn cổ Trung Đông
Địa bàn và những nét đặt biệt của nền văn minh cổ Ai Cập, Lưỡng Hà Châu, Do Thái,

2. Văn minh cổ Hi Lạp và La Mã:

Sinh hoạt, chính trị Hi Lạp và La Mã. Những nét đặc biệt của văn minh Hi Lạp. Đế quốc Lã Mã với đạo Gia Tô

3. Những ảnh hưởng của các nền văn minh cổ thế giới đối với văn minh Tây phương (cận và hiện đại)

D. Văn minh Tây phương cận và hiện đại với văn minh Việt Nam

1. Những biến chuyển quan trọng về chính trị, trào lưu tư tưởng, khoa học, kỹ thuật, xã hội của Tây phương từ thời thế kỷ 15 đến nay.

2. Ảnh hưởng của nền văn minh Tây phương đối với văn minh Việt Nam

Khuyến cáo về giảng dạy

  • Về những nét đặc biệt của các nền văn minh, chỉ nên đề cập đến những gì đặc thù, thật nổi bật của mỗi nền văn minh về phương diện tư tưởng tôn giáo, văn hoá nghệ thuật, kỹ thuật, khoa học, chính trị, kinh tế, xã hội.
  • Về những biến chuyển của văn minh phương Tây cận và hiện đại, nên trình bày một cách tổng hợp và thật cô đọng những nét chính từ sau thời kỳ Trung Cổ tại Âu Châu về chế độ chính trị, sinh hoạt chính trị, những trào lưu tư tưởng mới, những tiến bộ khoa học, kỹ thuật cùng các định chế sinh hoạt xã hội Tây phương. Ở Đệ Nhất cấp vấn đề này mới được đề cập kỹ càng hơn.
  • Đối với ảnh hưởng hay những mối tương quan của các nền văn minh chỉ nên đề cập một cách cô đọng để giúp học sinh hiểu biết các nét chính của các vấn đề này.
  • Triệt để áp dụng các khuyến cáo giảng dạy của môn Sử học nhất là phần sách giáo khoa. Nên khuyến khích học sinh sưu tầm hình ảnh hoặc tài liệu dưới hình thức các cuốn sổ tay sưu tầm hoặc dưới hình thức thuyết trình nếu hoàn cảnh cho phép.
  • Cần phải dùng biểu đồ về thời gian và hình ảnh minh hoạ của các nền văn minh đối với những trường hợp có thể được.

Lớp 9 – Lịch Sử Việt Nam (3 giờ/tuần)

Mục Tiêu

  • Giúp học sinh hiểu biết diễn trình lịch sử Việt Nam
  • Giúp học sinh thu thập những kinh nghiệm sống của tiền nhân trong công cuộc cứu quốc và kiến quốc
  • Giúp học sinh ngưỡng mộ các gương hào hùng, các công trình xây dựng quốc gia của tiền nhân.
  • Giúp học sinh phát huy lòng tự hào dân tộc, hun đúc chí bất khuất, kiên cường, tinh thần trách nhiệm, tinh thần dân chủ, tinh thần đoàn kết quốc giá, thống nhất quốc gia và để sẵn sàng góp phần bảo vệ và phát triển quốc gia cường thịnh.
  • Giúp học sinh phê phán một cách khách quan các sự kiện lịch sử, biết sử dụng bản đồ và các dữ kiện.
  • Giúp học sinh phát triển khả năng suy luận, phán đoán khách quan phân tích, tổng hợp, đặt và giải quyết vấn đề.

Nội Dung

Nội dung chương trình lớp 9 gồm có 2 phần: phần lược sử và phần lịch sử kinh nghiệm.

A. Phần Lược Sử (Thông Sử)

  1. Đại cương các thời đại trong lịch sử Việt Nam
  2. Nguồn gốc dân tộc Việt Nam
  3. Nhà Triệu: Lược sử triều đại
  4. Thời Kỳ Bắc Thuộc (từ 111 đến 930): Diễn trình sự xâm chiếm và cai trị của người Trung Hoa
  5. Thời kỳ hình thành của nền quân chủ Việt Nam (nhà Ngô, nhà Đinh, nhà Tiền Lê). Lược sử triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê.
  6. Thời kỳ hoàn bị của nền quân chủ và sự hình thành rõ rệt của quốc gia Việt Nam: Lược sử triều đại Lý, Trần, Hồ
  7. Thời kỳ Minh thuộc: Diễn tiến cuộc xâm lược và cai trị của quân Minh
  8. Thời kỳ cực thịnh của nền quân chủ: nhà Hậu Lê. Lược sử triều đại từ Lê Thái Tổ đến năm 1527.
  9. Thời kỳ khủng hoảng của nền quân chủ Việt Nam: Lược sử nhà Mạc, nhà Lê Trung Hưng
  10. Lược sử cuộc nội ᴄhιến Việt Nam: Nam – Bắc triều, Trịnh – Nguyễn phân tranh, Tây Sơn với họ Trịnh, họ Nguyễn, việc thống nhất quốc gia.
  11. Thời kỳ phục hưng của nền quân chủ tại Việt Nam: Lược sử triều đại từ Gia Long đến Tự Đức
  12. Thời kỳ suy vong của nền quân chủ xứ Việt nam
  13. Lược sử triều đại từ sau thời Tự Đức đến Bảo Đại
  14. Diễn trình sự xâm lăng và cai trị của người Pháp
  15. Lược sử những cuộc vận động chống Pháp từ phong trào Cần Vương đến năm 1945
  16. Những biến chuyển đưa đến Nhật đảo chính năm 1945 – Chính phủ Trần Trọng Kim
  17. Những biến chuyển lịch sử từ năm 1945 đến nay

B. Phần Lịch Sử Kinh Nghiệm

1. Lược trình các thời kỳ lịch sử

2. Lập quốc, mở rộng lãnh thổ, độc lập, lệ thuộc, ngoại xâm.
Những kinh nghiệm hào hùng của dân tộc

a. Gương can đảm hi sinh
– Các võ tướng (Trần Bình Trọng, Lê Lai, Võ Tánh)
– Các danh thần (Chu Văn An, Vũ Công Duệ, Ngô Tùng Châu, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu)
– Các liệt nữ (Huyền Trân Công Chúa, Bùi Thị Xuân, Cô Giang, Cô Bắc)
– Các nhà cách mạng (Trần Quý Cáp, Phạm Hồng Thái, các liệt sĩ Yên Bái)

b. Gương bất khuất
– Chống ngoại xâm Trung Hoa: Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Thủ Độ, Trần Quốc Toản.
– Chống xâm lược Pháp: Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Phan Đình Phùng, Nguyễn Thiện Thuật, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thái Học

c. Gương kiên nhẫn, chịu đựng gian khổ
– Lê Lợi kháng Minh, Phạm Ngũ Lão

d. Gương tinh thần trách nhiệm
– Phan Thanh Giản

e. Gương đoàn kết tinh thần dân chủ
– Trần Quốc Tấn và Trần Quang Khải, hội nghị Diên Hồng

f. Những ᴄhιến công oanh liệt trong quân sử
– Lý Thường Kiệt đánh và phá Tống
– Trần Hưng Đạo đại phá quân Nguyên
– Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh và Xiêm la

g. Óc sáng suốt cầu tiến
– Nguyễn Trường Tộ và những người đề nghị bỏ chính sách bế quan toả cảng thời vua Tự Đức

h. Khả năng chống sự đồng hoá và xâm lược
– Chống sự đồng hoá thời Bắc thuộc và Minh thuộc, Pháp thuộc
– Thành quả trong các cuộc xâm lăng của người Trung Hoa và Pháp

i. Khả năng hoà đồng văn hoá: Tam giáo đồng nguyên
– Khả năng phát huy văn hoá dân tộc trong văn chương Việt Nam, nghệ thuật, phong tục

j. Những gương xây dựng kinh tế
– Gương dinh điền: Nguyễn Công Trứ
– Gương kinh doanh: Bạch Thái Bưởi

k. Khả năng mở rộng lãnh thổ:
– Cuộc Nam tiến của Nguyễn Hoàng

l. Những kinh nghiệm tàn khốc của nội ᴄhιến:
– Nam _ Bắc Triều
– Trịnh _ Nguyễn phân tranh
– Tây Sơn, họ Trịnh và Nguyễn

3. Khuyến cáo về giảng dạy:

  •  Trong phần lược sử Việt Nam chỉ nên chú trọng đến diễn trình lịch sử. Mỗi thời đại, ngoài phần diễn trình lịch sử, có thể đề cập đến những điểm nổi bật của thời ấy, nhưng không đi sâu vào chi tiết.
  • Nên phác hoạ biểu đồ diễn tiến lịch sử, các niên biểu lịch sử.
  • Trong phần lịch sử kinh nghiệm, nên chú trọng vào việc phát triển thái độ qua các kinh nghiệm sống của các tiền nhân, rất thích hợp với lứa tuổi của lớp 9 nhất là trang bị lý tưởng cho học sinh, nhưng sự thực lịch sử luôn luôn phải được tôn trọng.
  • Mỗi đề mục như gương can đảm, hy sinh, bất khuất, kiên nhẫn, cần phải có phần tổng quát đề cập đến bối cảnh lịch sử, tiếp đến là phần dẫn chứng lịch sử, khai thác nhiều nơi tiểu sử các danh nhân, cuối cùng là phần nhận định. Trong phần nhận định này, nên để học sinh thảo luận, góp ý kiến để rút ra những kinh nghiệm sống.
  • Nên triệt để dẫn chứng các tiểu sử danh nhân Việt Nam, nhưng cố gắng tránh sự trưng dụng một danh nhân ở nhiều tiết mục. Các danh nhân đã được liệt kê chỉ là một số điển hình, giáo sư có thể linh động dẫn chứng nhiều danh nhân khác cũng như việc sắp xếp nội dung các tiểu mục miễn sao đạt tới các mục tiêu về thái độ cần thiết.

2. Môn Sử – Địa Đệ Nhị Cấp

a. Mục tiêu

*Kiến thức

  • Giúp học sinh hiểu biết các diễn trình tiến hoá lịch sử dân tộc Việt Nam và thế giới
  • Giúp học sinh hiểu biết những công cuộc cứu quốc và kiến quốc của tiền nhân
  • Giúp học sinh hiểu biết những bản sắc dân tộc, sự phát triển của nền văn minh Việt Nam.
  • Giúp học sinh hiểu biết những mối tương quan lịch sử Việt Nam và thế giới
  • Giúp học sinh hiểu biết những mối tương quan giữa con người và hoàn cảnh địa lý
  • Giúp học sinh hiểu biết những điều kiện thuận lợi và bất lợi cho sự phát triển quốc gia, hiện trạng của các quốc gia chậm tiến và những điều kiện để trở thành một cường quốc.

* Thái độ

  • Giúp học sinh ngưỡng mộ các công trình cứu quốc và kiến quốc của tiền nhân và những tiến bộ của nền văn minh nhân loại
  • Giúp học sinh phát huy tinh thần tự hào dân tộc, tinh thần phát huy dân tộc tính, tôn trọng các truyền thống quý báu của dân tộc và phát huy tinh thần sáng tạo.
  • Giúp học sinh phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc, thống nhất quốc gia để tiến tới một quốc gia cường thịnh trong vùng Đông Nam Á
  • Giúp học sinh phát triển tinh thần tích cực tham gia vào các công việc phát triển quốc gia cường thịnh
  • Giúp học sinh phát triển tinh thần hợp tác quốc tế

* Kỹ năng

  • Giúp học sinh phát triển khả năng sưu tầm, nghiên cứu, khả năng sử dụng, diễn tả các tài liệu như bản đồ, địa cầu, biểu đồ, các dữ kiện kiến thiết xã hội, khả năng đọc sách báo, sử dụng thư viện.
  • Giúp học sinh phát triển khả năng phán đoán, suy luận, phân tích, tổng hợp
  • Giúp học sinh phát triển khả năng đặt, giải quyết vấn đề và khả năng làm việc tập thể

b. Phương pháp giảng dạy

  • Áp dụng phương pháp hoạt động. Cụ thể hoá bài học bằng tranh ảnh, biểu đồ, bản đồ và các phương tiện thính thị, phim ảnh.
  • Hướng dẫn học sinh về kỹ thuật đọc sách, hướng dẫn học sinh tự làm dàn bài chi tiết để học bài trong các tài liệu giáo khoa
  • Hướng dẫn học sinh tham khảo sách báo, thực hiện các biểu đồ, bản đồ và thuyết minh.
  • Tránh lối dạy nhồi sọ, học thuộc lòng. Học sinh phải ghi chép.
  • Triệt để tôn trọng tính cách khoa học của môn Sử, tránh các tài liệu thiếu chính xác và các lập luận vô căn cứ.
  • Phải chú trọng đến các mục tiêu về khả năng suy luận, phán đoán, phân tích, tổng hợp, đặt và giải quyết vấn đề,…
  • Nên hướng học sinh thăm viếng viện bảo tàng, du khảo các di tích lịch sử.

c. Tài liệu giáo khoa

  • Giáo sư phải chọn cho học sinh mỗi lớp một cuốn sách giáo khoa làm căn bản. Nên chọn các sách giáo khoa có tài liệu phong phú, chính xác, cập nhật hoá, trình bày có hệ thống pháp lý, cách hành văn dễ hiểu, không rườm rà.
  • Ngoài sách giáo khoa, giáo sư nên khuyến khích học sinh đọc sách, tạp chí biên khảo và cả nhật báo để theo dõi kiến thức xã hội sát với cuộc sống. Khuyến khích học sinh triệt để sử dụng thư viện.
  • Giáo sư nên hướng dẫn học sinh đọc các địa danh, nhân danh theo tiếng địa phương khi có thể.

d. Phương thức đánh giá

  • Nên phối hợp sử dụng các hình thức kiểm điểm các học sinh bằng bài viết, trắc nghiệm khách quan, vấn đáp.
  • Không nên chỉ kiểm điểm ký ức của học sinh mà phải kiểm điểm mọi loại kiến thức, (định nghĩa, diễn tiến và trình tự các sự kiện lịch sử, nguyên tắc và tổng quát,…) và mọi loại kỹ năng (suy luận tương quan nhân quả, tương quan giữa không gian và thời gian, sự áp dụng kiến thức). Nghĩa là phải căn cứ vào các mục tiêu của môn học để kiểm điểm.
  • Phải kiểm điểm toàn thể bài học, tránh học tủ, giảm bớt may rủi.

e. Nội dung chương trình

LỚP 10 – LỊCH SỬ VIỆT NAM (3 giờ/tuần)

I. MỤC TIÊU

  1. Giúp học sinh hiểu biết sự liên tục lịch sử Việt Nam qua diễn trình các thời kỳ lịch sử Việt Nam.
  2. Giúp học sinh hiểu biết các cuộc tranh đấu giải phóng dân tộc, chống xâm lăng của dân tộc Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử.
  3. Giúp học sinh hiểu biết những biến chuyển quan trọng về văn hoá chính trị, hành chính, binh kị, kinh tế Việt Nam trong quá trình lịch sử.
  4. Giúp học sinh ngưỡng mộ các công trình cứu quốc và kiến quốc, biết rút tất cả các kinh nghiệm của tiền nhân, ngõ hầu phát huy tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý thức thống nhất quốc gia, tinh thần tham gia vào công cuộc phát triển xứ sở.
  5. Giúp học sinh phát triển khả năng suy luận phán đoán khách quan, phân tích, tổng hợp, đặt và giải quyết vấn đề cùng khả năng làm việc tập thể.

II. Nội dung

A. Lược Trình Các Thời Kỳ Lịch Sử Việt Nam

  1. Lược sử qua các thời đại (từ thời Bắc thuộc đến thời kháng Pháp 1945-1954)
  2. Đất nước Việt Nam qua các đời
  3. Quốc hiệu qua các đời
  4. Lãnh thổ Việt Nam qua các đời
  5. Diễn trình các thời kỳ Độc lập và Nội ᴄhιến: Các thời kỳ ngoại xâm và lệ thuộc.

B. Việt Nam Tranh Đấu Sử

1. Chống Bắc phương xâm lược

a, Các cuộc tranh đấu giành độc lập, chống Trung Hoa thời Bắc thuộc (111-939), Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Bôn, Mai Hắc Đế, Bố Cái Đại Vương, Họ Khúc, Dương Diên Nghệ, Ngô Quyền và công cuộc xây dựng nền tự chủ.

b, Các cuộc chống xâm lăng thời tự chủ: Nhà Tiền Lê, Nhà Lý đánh và phá quân Tống; Nhà Trần chống quân Mông Cổ; Nhà Hồ, Hậu Trần, Lê Lợi kháng Minh, Quang Trung phá quân Thanh.

c, Ảnh hưởng của Trung Hoa về phương diện văn hoá, xã hội, chính trị hành chính, kinh tế, binh kị.

2. Chống Tây phương xâm lược

a, Thời Pháp xâm lược (1858 – 1884)
– Chủ nghĩa thực dân Pháp
– Các giai đoạn xâm lược, các hoà ước, phản ứng của triều đình và dân chúng (các cuộc khởi nghĩa)

b, Thời Pháp cai trị (1884 – 1945)
– Chính sách và tổ chức cai trị của người Pháp
– Các phong trào chống Pháp, phong trào Cần Vương, Văn Thân, Duy Tân, các đảng phái cách mạng, các cuộc khởi nghĩa.

3, Cao trào đấu tranh độc lập và tự chủ
a, Nhật đảo chính Pháp, chính phủ Trần Trọng Kim, Việt minh cướp chính quyền và chính phủ liên hiệp.
b, Cᴄhιến tranh Việt – Pháp (1946-1954). Điện Biên Phủ. Hiệp định Giơ – Ne – Vơ

C. Việt Nam Tiến Hoá Sử

  1. Nguồn gốc dân tộc Việt Nam, sự hình thành quốc gia Việt Nam.
  2. Hành chính Việt Nam qua các đời (939 đến nay) chế độ xã thôn. Tổ chức hành chính qua các đời.
  3. Binh chế Việt Nam qua các đời (939 – 1884) ngạch quân, phép tuyển mộ, huấn luyện, võ khí, quân trang, quân dụng.
  4. Kinh tế Việt Nam qua các đời (939 đến nay) chế độ ruộng đất, tổ chức tiền tệ, thuế khoá và những tiến triển về canh nông, công nghệ, thương mại.
  5. Xã hội Việt Nam qua các đời (939 đến nay)
    a, Cơ cấu xã hội, gia tộc và gia đình, các giai tầng xã hội, luật pháp.
    b, Sự cải thiện đời sống
  6. Văn hoá giáo dục Việt Nam qua các đời (939 đến nay)
    Ngôn ngữ văn tự , văn chương, nghệ thuật, khoa học, giáo dục thi cử

III. Khuyến cáo về giảng dạy

1. Nên trình bày một cách giản lược, không đi sâu vào chi tiết về lược trình các thời kỳ lịch sử Việt Nam.
Qua ba cách chia:
– Căn cứ vào thời gian (lược sử qua các đời)
– Căn cứ vào lãnh thổ (lãnh thổ qua các đời)
– Căn cứ vào các vấn đề (độc lập và nội ᴄhιến, ngoại xâm và lệ thuộc)

Để học sinh có cái nhìn bao quát toàn thể lịch sử Việt Nam, phần lược sử qua các đời nên chia theo thứ tự:
– Thời Bắc thuộc, Thời tự chủ từ 939 – 1407, Thời Minh thuộc
– Thời tự chủ từ 1428 – 1884, thời Pháp thuộc từ 1884 đến 1945
– Thời kháng Pháp (1945-1954). Các phần kế tiếp cũng liệt kê diễn trình các thời kỳ liên hệ.

2. Trình bày bối cảnh lịch sử, nguyên nhân, sơ lược hậu quả của mỗi cuộc tranh đấu khởi chống Bắc phương. Đối với Tây phương, các vấn đề trên có thể đề cập chung trong phần chủ nghĩa thực dân. Khi đề cập tới những biến chuyển của các phong trào chống Pháp cũng cần chú ý tới bối cảnh lịch sử, các nguyên nhân và hậu quả.

3. Phần cao trào tranh thủ độc lập và tự do dân chủ nên đề cập giản lược.

4. Cần tránh những chi tiết quá vụn vặt, không giúp nhiều cho việc hiểu biết diễn tính tiến hoá của từng vấn đề.

5. Cần khai thác thế nào để học sinh thâu nhận những kinh nghiệm của tiền nhân trong công cuộc cứu quốc và kiến quốc.

6. Cần trình bày những lược đồ, biểu đồ về sự diễn tiến của mọi vấn đề tiến hoá.

7. Cần hướng dẫn học sinh sưu tầm, nghiên cứu và thuyết trình.

LỚP 11 – Lịch Sử Thế Giới (3 giờ/ tuần)

I. Mục tiêu

  1. Giúp học sinh hiểu biết những biến chuyển quan trọng của nền văn minh thế giới, về văn hoá chính trị, khoa học, kỹ thuật, kinh tế, xã hội.
  2. Giúp học sinh hiểu biết những biến cố lịch sử quan trọng, có ảnh hưởng tới sinh hoạt của các quốc gia trên thế giới, nhất là các quốc gia Đông Nam Á và Việt Nam.
  3. Giúp học sinh biết ngưỡng mộ những công trình đóng góp và sự tiến bộ của nền văn minh nhân loại.
  4. Giúp học sinh phát triển tinh thần hợp tác quốc tế
  5. Giúp học sinh phát triển khả năng suy luận, phán đoán khách quan, lựa chọn, phân tích, tổng hợp, đặt và giải quyết vấn đề và khả năng làm việc tập thể.

II. Nội dung

A. Những tiến triển của nền văn minh thế giới
1- Tiến triển tư tưởng khoa học
2- Tiến triển kỹ thuật
3- Cách mạng kỹ nghệ

B. Những Tiến triển xã hội
– Cơ cấu xã hội, sinh hoạt xã hội

C. Các Biến chuyển về chính trị thế giới

  1. Tiến trình chế độ dân chủ: Nguồn gốc chế độ dân chủ (Đông và Tây phương). Tiến trình chế độ Đại nghị tại Anh. Cuộc cách mạng và tiến trình chế độ Dân Chủ tại Hoa Kỳ. Cuộc cách mạng Pháp 1789 và những hậu quả.
  2. Phong trào bành trướng thuộc địa của các nước Tây phương.
  3. Những biến chuyển chính trị, xã hội Á Châu: Trung Hoa trước nạn đế quốc xâm lược. Cách mạng Tân Hợi đến 1949. Nhật Bản từ Minh Trị Thiên Hoàng đến 1951.
  4. Những cuộc khủng hoảng thế giới: WW1. Khủng hoảng kinh tế thế giới 1929. WWII. Vai trò của Liên Hiệp Quốc.
  5. Sự tiến triển của chủ nghĩa xã hội. Cách mạng 1917 tại Nga và sự mở rộng chủ nghĩa xã hội.

D. Thế giới ngày nay và vị trí của Việt Nam trong chính trường thế giới.

1. Vai trò của cường quốc (Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản) và ᴄhιến tranh lạnh sau WWII.
2. Phong trào tranh thủ độc lập của Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á (Phi Luật Tân, Miến, Indonesia, Mã Lai) và Phi Châu
3. Hiện tượng chậm tiến và vị thế của Việt Nam trong cộng đồng thế giới.

III. Khuyến cáo về việc giảng dạy
1. Cần tránh những chi tiết quá vụn vặt không giúp nhiều cho việc tìm hiểu sự tiến triển của nền văn minh thế giới cũng như những biến chuyển quan trọng của lịch sử thế giới, cần giúp học sinh hiểu biết các động lực chi phối thế giới hiện đại và tương lai.

2. Nên trình bày theo chiều hướng tập hợp lịch sử và văn minh thế giới với những căn bản Tây phương cũng như Đông phương. Đối với tiến trình hoặc những biến chuyển thì cần đề cập từ nguồn gốc đến ngày nay, không giới hạn thời gian. Giáo trình này đặt nặng thời kỳ lịch sử hiện đại, và các biến cố chính trị đã được xác định rõ thời gian trong giáo trình.

3. Nên làm nổi bật mối tương quan giữa Việt Nam và thế giới trong ᴄhιếntranh lạnh, hiện tượng chậm tiến và vai trò của Việt Nam trong vùng Đông Nam Á.

4. Cần khuyến khích học sinh theo dõi thời sự qua sách báo, nhất là các biến chuyển quan trọng có ảnh hưởng tới thế giới và Việt Nam.

5. Triệt để áp dụng những khuyến cáo giảng dạy của bộ môn Sử – Địa, nhất là khuyến khích học sinh sưu tầm, nghiên cứu, đọc sách báo, triệt để sử dụng thư viện.

LỚP 12 – VĂN MINH VIỆT NAM (1 giờ/ tuần)

I. Mục tiêu

  1. Giúp học sinh hiểu biết về nguồn gốc văn minh Việt Nam
  2. Giúp học sinh hiểu biết về những bản sắc dân tộc
  3. Giúp học sinh có tinh thần sáng tạo để phát triển văn minh Việt Nam
  4. Giúp học sinh phát huy tinh thần tự hào dân tộc, đoàn kết dân tộc và thống nhất quốc gia.
  5. Giúp học sinh nhận định sự phong phú các sắc thái xã hội, văn hoá dân tộc.
  6. Giúp học sinh thực hiện những hành vi có tính cách phát huy dân tộc tính nhất là phương diện phong tục, nghệ thuật
  7. Giúp học sinh phát triển khả năng suy luận, phán đoán, phân tích, giải quyết vấn đề cùng tập sự sưu tầm và nghiên cứu.

II. Nội Dung

A. Lược sử hình thành
Các căn bản địa phương: Ảnh hưởng Trung Hoa, ảnh hưởng Ấn Độ, ảnh hưởng Tây phương.

B. Những bản sắc dân tộc
1. Sinh hoạt tinh thần
Những nét độc đáo về Việt Nam – Dân tộc tính qua sinh hoạt tôn giáo tinh thần hoà đồng, những tôn giáo sáng lập tại Việt Nam.

2. Sinh hoạt nghệ thuật
Những đặc điểm thuần tuý Việt Nam trong thơ văn. Những đặc sắc dân tộc về điêu khắc, kiến trúc, hội hoạ. Những sắc thái dân tộc về ca nhạc: nhạc khí Việt Nam, ca hát cổ truyền Việt Nam (hát chèo, ca Huế, hát cải lương, dân ca 3 miền).

3. Sinh hoạt xã hội
Sinh hoạt thường nhật (các món ăn thuần tuý Việt nam – sự ăn mặc thuần tuý Việt Nam – Nhà ở của người Việt Nam) – Phong tục Việt Nam – Những sắc thái dân tộc qua truyền thống tốt đẹp gia đình, học đường – Những sắc thái dân tộc qua các nghi lễ: Tết Việt Nam, các hội hè, đám cưới, đám ma.

III. Khuyến cáo về việc giảng dạy
1. Trong nền văn minh sử này, nên chú trọng đến những bản sắc thuần tuý Việt Nam xưa và nay.
2. Nên cố gắng trình bày một cách sống động qua những hình ảnh thực trong đời sống, những tranh ảnh, âm thanh cùng những sự trình diễn, nếu có thể được.
3. Nên khuyến khích học sinh tôn trọng những giá trị cổ truyền dân tộc, nhưng cũng phải khuyến khích tinh thần sáng tạo để càng ngày những bản sắc thuần tuý Việt Nam càng thêm phong phú.

Nguồn: Giáo Dục Phổ Thông Miền nam 1954-1975 – Tác giả: Ngô Minh Oanh, Hồ Sỹ Anh, Nguyễn Ngọc Tài, Nguyễn Thị Phú – NXB Tổng Hợp

Viết một bình luận